Thủ tướng Ukraine gặp nguy

Hàng trăm người dân đến từ Đảng “Svoboda” theo chủ nghĩa dân tộc của Ukraine, hôm qua (7/4) đã biểu tình chống lại nạn tham nhũng, kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra nạn tham nhũng trong Quốc hội vàThủ tướng Ukraine tạm từ chức trong thời gian điều tra. 
Thủ tướng Yatsenyuk
Thủ tướng Yatsenyuk

Hàng trăm các nhà hoạt động đến từ đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc của Ukraine và một số phong trào chính trị thanh niên khác đã tiến về tòa nhà Quốc hội - Verkhovnaya Rada vào buổi sáng ngày hôm qua.
 
Họ đang biểu tình chống lại nạn tham nhũng tràn lan ở đất nước Ukraine, yêu cầu thành lập một ủy ban lâm thời để tiến hành một cuộc điều tra về tình trạng tham nhũng trong Quốc hội. Những người biểu tình còn đòi Thủ tướng Yatsenyuk tạm thời từ chức, ít nhất trong giai đoạn đang diễn ra cuộc điều tra trong Quốc hội. Lý do khiến người biểu tình đòi ông Yatsenyuk tạm thời từ chức là bởi vì họ tin rằng ông này có thể sẽ tìm mọi cách dùng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra.
 
Ngay trong Quốc hội Ukraine hiện giờ, nhiều người cũng đã lên tiếng đòi Thủ tướng Yatsenyuk từ chức.
 
Trong các cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ngày hôm qua, người ta đã thấy xuất hiện nhiều banner nói rằng Thủ tướng Yatsenyuk “cố tình tăng phí nhà ở và các dịch vụ công cộng khác để biển thủ tiền từ đó” và rằng “chính phủ của Thủ tướng Yatsenyuk đang cướp tiền của dân để làm lợi cho các nhà tài phiệt”.
 
Mặc dù cuộc biểu tình diễn ra khá yên bình nhưng các biện pháp an ninh quanh Tòa nhà Quốc hội vẫn được thắt chặt do thời điểm này đang diễn ra lễ khai mạc phiên họp quốc hội định kỳ của Ukraine.
 
Một nghị sĩ thuộc Hội đồng Khu vực Kiev đã cho đăng tải hình ảnh những chiếc xe bọc thép mới được triển khai đến khu vực cửa đông của tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn bất kỳ khả năng xảy ra xung đột hay tình trạng mất trật tự nào.
 
Trong khi đó, người biểu tình tiếp tục kéo đến.
 
Từ ngày 1/4, phí nhà ở và các dịch vụ công cộng khác cho người dân Ukraine đã tăng đáng kể do Kiev phải thực hiện theo những điều kiện mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra để được nhận những khoản cứu trợ tài chính từ tổ chức này.
 
Lời đề nghị thành lập ủy ban điều tra được đưa ra sau khi người đứng đầu Cơ quan Thanh tra Tài chính Nhà nước của Ukraine – ông Mikola Gordienko cáo buộc chính phủ Kiev biển thủ tới 7,5 tỉ hryvnia (tương đương khoảng 319 triệu USD. Ông Gordienko đã bị sa thải sau khi tung ra lời cáo buộc trên.
 
Tuyên bố của đảng Svoboda khẳng định, bất kỳ chính khách nào phản đối tiến hành cuộc điều tra tham nhũng đều là “những kẻ phản bội nhân dân Ukraine”. Đảng Svoboda đang nắm 7 trong số 450 ghế của Quốc hội Ukraine.
 
Chính phủ Kiev đang đối diện với sức ép mạnh mẽ nhằm diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng đang lan tràn. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gần đây tái cam kết sẽ giải quyết triệt để nạn tham nhũng. Chính quyền Kiev đã sa thải một thống đốc tỉ phú và bắt giữ một số quan chức cấp cao vì tội tham nhũng.
 
Tuy nhiên, bà Tatiana Jean thuộc tổ chức tư vấn IFRI có trụ sở ở thủ đô Paris cho rằng, một phần của những bước đi trên chỉ là “trò đóng kịch". Nếu giới chức Ukraine thực sự nghiêm túc trong quyết tâm diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng thì họ có thể bắt đầu bằng việc phá vỡ thế độc quyền của tập đoàn khí đốt nhà nước Naftogaz, bà Jean đã nói như vậy.
 
Quân Kiev điều vũ khí hạng nặng đến vùng đệm an toàn
 
Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình Ukraine, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine lại đang đưa vũ khí hạng nặng đến vùng đệm ở miền đông Ukraine. Thông tin trên đã được Phái đoàn Giám sát Đặc biệt OSCE (SMM) ở Ukraine cho biết trong bản cập nhật báo cáo hàng ngày trong ngày hôm qua.
 
SMM đã phát hiện 4 khẩu súng chống tăng cỡ nòng 100-mm và 4 xe tải bọc thép MTLB gần khu dân cư Mirnaya Dolina. "Vào ngày 6/4, gần Mirnaya Dolina (khu vực nằm trong sự kiểm soát của chính phủ, cách Luhansk về phía tây bắc 67km), SMM đã phát hiện 4 khẩu súng chống tăng cỡ nòng 100mm mới được triển khai cùng các binh sĩ và 4 xe bọc thép (MTLB) được chất đầy những thùng đạn dược", bản báo cáo của SMM cho hay.
 
Các giám sát viên của OSCE cho biết, không phải tất cả vũ khí hạng nặng nằm trong diện phải rút khỏi vùng chiến sự đã được rút đi.
 
Người ta không rõ ý đồ của Kiev khi triển khai vũ khí hạng nặng đến vùng chiến sự vào thời điểm khi mà lệnh ngừng bắn đang được thực thi với nhiều dấu hiệu khả quan.
 
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫn còn ra lệnh cho các đơn vị quân đội và lực lượng vũ trang tăng cường phối hợp với OSCE để “chứng minh rằng quân đội Ukraine đang thực thi nghiêm túc lệnh của Tổng Tư lệnh quân đội và thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk".
 
Cho đến thời điểm này, thỏa thuận ngừng bắn được áp dụng từ ngày 15/2 ở miền đông Ukraine vẫn phát huy tác dụng. Thỏa thuận này đã giúp giảm đáng kể tình trạng giao tranh, đụng độ giữa quân Kiev và lực lượng ly khai, từ đó giảm rõ rệt tình trạng thương vong. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những vụ bạo lực xảy ra lác đác ở một vài nơi thuộc miền đông Ukraine.

Theo: VnMedia