|
TP Đà Nẵng nhìn từ sông Hàn |
Phát triển thành đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á
Theo Quyết định 359/QĐ-TTg, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế.
Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đối mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Đồng thời, Đà Nẵng là TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, TP đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Nẵng với tổng diện tích khoảng 129.046 ha, trong đó, diện tích đất liền khoảng 98.546 ha, diện tích huyện Hoàng Sa là 30.500 ha. Cùng với đó, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 của Đà Nẵng đạt khoảng 1,79 triệu người, năm 2045 khoảng 2,56 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 31.836ha vào năm 2030 và đạt khoảng 35.054 ha đến năm 2045.
Về cấu trúc đô thị, Đà Nẵng được gắn với cảnh quan theo 3 vùng đô thị, gồm: vùng ven mặt nước, vùng Lõi xanh, vùng Sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái. Bên cạnh đó, Đà Nẵng hình thành 2 vành đai kinh tế gồm: vành đai phía Bắc (vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biến – Logistics); và vành đai phía Nam (vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
|
Một góc biển du lịch Đà Nẵng |
Đà Nẵng sẽ phát triển các trung tâm phân tán gồm: trung tâm đô thị gắn với trung tâm TP, trung tâm dịch vụ công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc TP, trung tâm thương mại dịch vụ gắn với ga đường sắt mới, trung tâm đổi mới sáng tạo tại phía Nam TP…
Theo quy hoạch, các khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Các khu vực phát triển mới được mở rộng, phát triển mới các khu đô thị, hình thành khu vực có chức năng chuyên biệt…
Đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch trên toàn địa bàn TP gắn với các hình thức du lịch biển, du lịch thủy nội địa, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch vui chơi giải trí tổng hợp, mua sắm…
Tập trung các dự án công nghệ cao và các công trình trọng điểm
Cũng theo nội dung phê duyệt, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng, Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3… Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ hình thành cụm đổii mới sáng tạo tại phía Nam TP gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu địa phương chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới, Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi khác.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đà Nẵng sẽ đầu tư nhiều công trình trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng sống của đô thị cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển như: nâng cấp, cải tạo, mở rộng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp TP và quận, huyện; hình thành bệnh viện quốc tế tại phân khu đổi mới sáng tạo; mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam TP; nâng cấp các thiết chế văn hoá hiện có như thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim và trung tâm biểu diễn...; đầu tư mới các thiết chế văn hóa mới cấp TP…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm và trở thành cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song với đường bộ cao tốc; xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu hành khách/năm; đầu tư xây dựng mới cảng biển Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm; phát triển Khu bến Thọ Quang là cảng tổng hợp cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn, có bến chuyên dùng cho tàu trọng tải từ 5.000 đến 10.000 tấn…
Theo phân kỳ thực hiện, 5 năm đầu (2020 - 2025) là giai đoạn củng cố, tập trung chủ yếu vào hoàn thiện các dự án đã được phê duyệt và chưa hoàn thành. Khuyến khích sự phát triển của khu dân cư mới nhằm hỗ trợ Khu công nghệ cao và phân khu Sườn đồi để phục vụ các khu dân cư được di dời trong những năm tiếp theo. Tập trung phát triển các dự án trong khu vực đô thị và trung tâm Thành phố hiện có, bao gồm phố tài chính và trung tâm kinh doanh thương mại CBD để hiện đại hóa Thành phố;
Trong 5 năm tiếp theo (2025 - 2030) là giai đoạn biến chuyển, sẽ tái phát triển và mật độ hóa khu vực đô thị hiện tại. Đồng thời, tập trung vào các dự án thương mại, văn hóa và du lịch đẳng cấp cao; hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng như mở rộng nhà ga T1 và xây dựng nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cảng Liên Chiểu, cảng biển du lịch Tiên Sa; Ga đường sắt mới; hầm qua sân bay, hầm qua sông Hàn; đường sắt đô thị, tái thiết khu vực ga đường sắt cũ...
|
Cảng hàng hoá Tiên Sa (Đà Nẵng) |
Giai đoạn 2030 đến 2045, sẽ tái thiết hoàn chỉnh khu đô thị hiện tại, các vùng đất dự trữ ở phía Nam và phía Tây cũng được phân vùng để sử dụng phù hợp. Các dự án trọng điểm sẽ hoàn thiện như Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu đổi mới sáng tạo ở phía Nam, các cụm du lịch và các khu đô thị mới ở phía Tây TP; các dự án giao thông: Đường Metro, Tramway Đà Nẵng- Hội An; các dự án văn hóa như Nhà hát lớn... Các khu vực sử dụng đất hiện trạng mâu thuẫn với cấu trúc tông thế của TP sẽ dần được di dời bao gồm: Khu dân cư hiện trạng để phát triển đô thị tại phân khu Sườn đồi và phân khu Đối mới sáng tạo ở phía Nam; các khu dân cư để mở rộng Khu đô thị Sân bay.
Thủ tướng Chính phủ giao TP Đà Nẵng tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt. Tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật kể cả quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch cảng hàng không quốc tế phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được duyệt.
Để đảm bảo công tác giám sát việc thực hiện Đồ án, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng vá các bộ ngành liên quan phối hợp với UBND TP Đà Nẵng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các nội dung của Đồ án.