|
Thủ tướng Abe phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 2/2. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trước Uỷ ban Ngân sách của Thượng viện, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: "Chúng ta nên thực thi quyền phòng vệ tập thể mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa lý." Ông cũng cho biết đang lên hoạch thuyết phục Quốc hội thông qua việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể, hoặc bảo vệ các đồng minh trong các vụ tấn công vũ trang kể cả khi Nhật Bản không bị tấn công.
Tuyên bố trên của Thủ tướng Abe được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản phải tăng cường an ninh sau khi hai công dân nước này bị tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bắt cóc và sát hại. Kể từ thời điểm bắt đầu xảy ra vụ khủng hoảng con tin hôm 20/1 vừa qua, Nội các Nhật Bản đã kêu gọi cho phép SDF giải cứu công dân nước này gặp nguy hiểm ở nước ngoài và sử dụng vũ khí nếu được quốc gia sở tại cho phép. Hiện SDF chỉ được phép hộ tống công dân nước này.
Tháng 7/2014, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân”. Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của SDF trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.
Kể từ khi nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe đã nỗ lực mở rộng phạm vi chiến dịch của SDF và nhấn mạnh Nhật Bản nên tích cực đóng góp vào hoà bình toàn cầu. Ngày 2/2, ông khẳng định Tokyo sẽ không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố và sẽ tiếp tục hỗ trợ phi quân sự cho Trung Đông. Liên quan đến các cuộc không kích IS của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, ông khẳng định Nhật Bản sẽ "không tham gia không kích hay hỗ trợ hậu cần".