Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được của NHNN trong năm 2022 trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Đến ngày 19/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,75 triệu tỉ đồng, tăng 12,54% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2022 đạt 279.732 tỉ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ, phối hợp giữa các chính sách, giữa các ngân hàng thương mại; hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn có rủi ro; chuyển đổi số cần nỗ lực hơn nữa…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm 2023 và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan. Đồng thời, bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.
Cùng với đó, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ./.