Ba yếu tố quan trọng để thành công
Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - TECHFEST Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam".
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng phân tích, khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá, thậm chí kiến tạo những thị trường mới, ngành, lĩnh vực mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới, lực lượng sản xuất mới.
Theo Thủ tướng, khởi nghiệp sáng tạo là một đột phá cần thiết để khai thác có hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
"Khởi nghiệp sáng tạo để bứt phá, vượt qua chính mình, để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, là yếu tố đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng khởi nghiệp sáng tạo để hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam.
Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo là động lực mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới, tạo ra lực lượng sản xuất mới.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 yếu tố rất quan trọng để thực hiện thành công các công việc là thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời để không bỏ lỡ thời cơ. Việt Nam là nước đi sau, vừa có cơ hội, vừa có thách thức, nhưng khát vọng của chúng ta là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. Đổi mới sáng tạo có những rủi ro, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, phải vượt qua chính mình.
"Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nhận định hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mới ở giai đoạn hình thành, còn thiếu nguồn lực để có thể tăng tốc và phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, còn chậm đổi mới tư duy, chưa tạo đột phá trong xây dựng pháp lý cho phép thử nghiệm thị trường đối với các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Nội hàm, khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi.
Chưa nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Không gian, cơ sở hạ tầng về thí điểm, thử nghiệm công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới.
Tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Phân tích một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo phát triển, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quản lý Nhà nước; các viện, trường đào tạo nhân lực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo, cho khởi nghiệp; doanh nghiệp hỗ trợ, đặt hàng, tạo môi trường phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cần có tư duy đột phá, chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm trong thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cả từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".
Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dẫn dắt, hỗ trợ hiệu quả xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo Thủ tướng, thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, phức tạp và khi tình hình thay đổi thì tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý công việc cũng phải thay đổi phù hợp. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
"Thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn, cơ hội cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói chung. Đây cũng là cơ hội để bứt phá, vươn mình, thể hiện trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, 3 yêu cầu chủ đạo đặt ra đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là: Thu hút được các nguồn lực từ các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới; tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn diện, bao trùm, bền vững.
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, hướng đi cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, trong đó tập trung cho các lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, blockchain, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…
Cùng với đó, bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các phong trào khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường, "sàn giao dịch" cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo.