|
Người biểu tình Palestine ném gạch đá về phía binh lính Israel tại biên giới giữa Israel và Dải Gaza hôm 23-10 Ảnh: Reuters |
Theo các nhà sử học, ông Husseini đúng là người ủng hộ Hitler và chống Do Thái song khi ông này gặp Hitler vào ngày 28-11-1941 thì Đức Quốc xã đã giết gần 1 triệu người Do Thái. Phát biểu của ông Netanyahu bị giới phân tích và truyền thông quốc tế ồ ạt chỉ trích là “điên rồ, lố bịch, ngớ ngẩn”.
Tờ Daily Beast (Mỹ) chế giễu ông Netanyahu “xóa tội cho Hitler” trong khi báo Mỹ The New York Times nặng lời: “Phát biểu của ông Netanyahu vô nhân đạo bởi Holocaust là một tội ác quá sức khủng khiếp để đem ra dùng cho mục đích chính trị. Nó còn vô nhân đạo bởi dường như chỉ nhằm tạo ấn tượng rằng người Palestine kháng cự Israel vì lòng căm thù người Do Thái thâm căn cố đế chứ không phải do sự chiếm đóng của Tel Aviv”.
Truyền thông quê nhà cũng không nhẹ tay với thủ tướng Israel. YNet, trang tin được yêu thích nhất ở Israel, tường thuật lại mà không quên mỉa mai ông Netanyahu là “con trai của một nhà sử học”. Tuy thường xuyên ủng hộ ông Netanyahu song báo Jerusalem Post cũng dẫn lời giới chuyên gia khuyên thủ tướng Israel nên rút lại lời buộc tội vô căn cứ.
Oái oăm hơn, theo tờ Independent (Anh), ông Netanyahu có nguy cơ ngồi tù nếu lặp lại phát biểu ấy ở Đức, nơi ông đến thăm ngay hôm 21-10. Luật pháp Đức quy định bất cứ ai “chối bỏ hay hạ thấp vai trò của Đức Quốc xã trong cuộc thảm sát Holocaust sẽ đối mặt án tù tối đa là 5 năm”. Một cách thẳng thắn, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh người Đức chịu trách nhiệm hoàn toàn về tấn thảm kịch đã cướp đi sinh mạng 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.
Phát ngôn của ông Netanyahu đặc biệt nhạy cảm khi Israel đang đối mặt“cuộc nổi dậy thứ ba” của người Palestine. Tính từ đầu tháng 10 đến nay đã có hơn 50 người Palestine, phân nửa số này là những kẻ tấn công và 9 người Israel thiệt mạng. Nhà Trắng ngay lập tức chớp lấy lời ông Netanyahu để yêu cầu đồng minh chấm dứt đổ dầu vào bạo lực - lặp lại chính xác cáo buộc mà thủ tướng Israel nhắm vào Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Câu hỏi ở đây là tại sao một chính trị gia sắc sảo và học cao hiểu rộng lại mắc sai lầm như vậy? Báo Independent viết: “Xuyên tạc lịch sử là ván bài liều lĩnh nhằm biến tất cả tranh chấp giữa Israel và Palestine - từ đất đai, tài sản, nguồn nước đến khu đền thiêng al-Aqsa - thành cuộc xung đột giữa cái tốt và sự xấu xa tận cùng. “Bằng cách trút tội châm ngòi nạn diệt chủng lên đầu người Palestine, ông Netanyahu có thể gom hết kẻ thù vào cái mác quỷ dữ và nhân danh đạo đức để tiêu diệt hay trục xuất họ” - tờ báo viết.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều người Israel nghĩ rằng ông Netanyahu phớt lờ các vấn đề Palestine nhiều năm trời vì ông tin rằng có thể duy trì hiện trạng để rảnh tay đối phó Iran. Nhưng mới đây, ông nhận một “nhát dao” khi Ủy ban Năng lượng nguyên tử Israel kết luận thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 có thể ngăn cản Tehran chế tạo bom hạt nhân. Trước thực trạng người dân Israel đã quá mệt mỏi vì bạo lực, ông Netanyahu có thể gặp rắc rối lớn nếu tiếp tục lạc lối trên “chiến trường” với người Palestine.
Theo NLĐ