Thủ tướng đề nghị ngân hàng lớn nhất Bắc Âu tham gia tái cơ cấu các nhà băng yếu kém tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người đứng đầu Chính phủ đề nghị SEB – ngân hàng lớn nhất Bắc Âu với tổng tài sản đạt gần 339 tỷ USD – nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

Đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại buổi tiếp ông Marcus Wallenberg – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Skandinaviska Enskilda Banken (SEB – Thụy Điển) nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024.

SEB là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sở hữu SEB Bank – ngân hàng lớn nhất khu vực Bắc Âu theo vốn hóa thị trường với tổng tài sản đạt gần 339 tỷ USD.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng hỗ trợ tài chính, quản trị điều hành để góp phần tăng cường hiệu quả, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị SEB tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam; quan tâm, nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

seb1-9725.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SEB (Ảnh: VGP)

Ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch HĐQT SEB cũng bày tỏ mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Trước mắt, SEB sẽ tổ chức Hội nghị doanh nghiệp khu vực Bắc Âu tại Hà Nội để tiếp tục tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Trước đó, trong chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Mizuho Bank – một trong ba 'megabanks' của Nhật Bản – tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Hiện, Việt Nam có 5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang chậm, khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư tự nguyện tham gia./.