Chính phủ yêu cầu xử lý ít nhất 2-3 ngân hàng và dự án yếu kém trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được giao chỉ đạo NHNN và CMSC phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2-3 ngân hàng và dự án yếu kém trong năm 2023.

Nội dung này được nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém.

Hiện, có 5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Hồi tháng 5/2023, NHNN cho biết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biết, trong đó có 3 ngân hàng '0 đồng' được mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và DongABank.

Trong báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 10/2023, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém rất chậm, kéo dài từ 2015 đến nay chưa dứt điểm.

Trong khi đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá việc xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là một việc làm khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện rất khó khăn. Cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ cho việc tái cơ cấu cũng cần xin ý kiến các cơ quan liên quan để có sự đồng thuận, thống nhất.

Đối với các ngân hàng yếu kém đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, bà Hồng cho biết NHNN đang triển khai các bước tiếp theo để hoàn thiện đề án chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện.

Ngoài việc xử lý các ngân hàng, dự án yếu kém, Chính phủ cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, bền vững các thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng được giao rà soát các điểm nghẽn về thể chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công./.