Thủ tướng chỉ ra 7 nhóm nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động

Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thủ tướng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể - Ảnh VGP/Nhật Bắc

"Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững. Nghị quyết giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.

Chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, đây cũng là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh để Việt Nam sớm gia nhập nhóm các nước phát triển có thu nhập cao, không có con đường nào khác ngoài việc đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

7 nhóm nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thủ tướng cho biết Chính phủ đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động thực hiện nghị quyết 57.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gồm 31 nhiệm vụ cụ thể).

Việc quán triệt và triển khai hiệu quả nhóm nội dung này, theo Thủ tướng, là nhiệm vụ rất quan trọng; đòi hỏi phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Con người thông minh thì cán bộ đảng viên phải tiên phong. Chỉ khi từng tổ chức, mỗi cá nhân nhận thức rõ vai trò của về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt được nhận thức ngang tầm nhiệm vụ khi đó mới chuyển tư duy sang hành động và có kết quả”, Thủ tướng nói.

Với nhóm thứ hai, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thủ tướng cho hay thể chế phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới, tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Cùng với việc xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ cho rằng cần cơ chế đặc thù về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công cho sản phẩm, dịch vụ số theo trình tự thủ tục rút gọn; có cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước.

Thủ tướng cho rằng việc thu hút đầu tư mạo hiểm còn chưa tương xứng với tiềm năng, trong giai đoạn 2021-2024 mới thu hút được 2,5 tỷ USD nên cần phải thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Quốc hội.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba, thủ tướng đề cập việc tăng cường đầu tư hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của nhóm nhiệm vụ này là: ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược (ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng an ninh, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hoá, y sinh học...).

Bên cạnh đó, rà soát, đầu tư phát triển Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Theo Thủ tướng, dữ liệu có tính quyết định cho phát triển trí tuệ thông minh. Chúng ta đã đầu tư và đang hoàn thiện trung tâm dữ liệu quốc gia. Các bộ ngành, địa phương phải xây dựng trung tâm dữ liệu cho chính mình, từ đó kết nối dữ liệu thành trung tâm dữ liệu quốc gia.

Với nhóm nhiệm vụ thứ tư, Thủ tướng cho biết phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thủ tướng khẳng định phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng". Mục tiêu là xây dựng một đội ngũ nhân lực hùng hậu, vừa đủ về số lượng, vừa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số. Đặc biệt, nguồn nhân lực này cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Nhóm nhiệm vụ thứ năm, theo Thủ tướng là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với nhóm nhiệm vụ này theo Thủ tướng là xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số, tạo ra một hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch và hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đẩy mạnh số hóa dữ liệu, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong bảo đảm quốc phòng và an ninh; hiện đại hóa lực lượng quân đội và công an; làm chủ các công nghệ chiến lược.

Về nhóm nhiệm vụ thứ sáu thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước; thúc đẩy phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số và công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với tinh thần "lấy doanh nghiệp làm trung tâm; các viện, trường, trung tâm nghiên cứu là trụ cột”; xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Nhóm nhiệm vụ thứ bảy tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thủ tướng nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm bao gồm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai ngoại giao kinh tế gắn với thu hút đầu tư khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là "ngoại giao công nghệ"); xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử, vũ trụ và các công nghệ khác.