Thủ tướng Canada phản ứng gắt với ý tưởng "tiểu bang thứ 51" trong cuộc gặp với ông Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Trump đề nghị sáp nhập Canada làm tiểu bang thứ 51. Thủ tướng Carney khẳng định "Chúng tôi không phải để bán" trong cuộc gặp tại Nhà Trắng.

Thủ tướng Canada Mark Carney đã bác bỏ đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ảnh: CNN.
Thủ tướng Canada Mark Carney đã bác bỏ đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ảnh: CNN.

Trong cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng sau bầu cử, Thủ tướng Canada Mark Carney đã bác bỏ đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, khẳng định: “Chúng tôi không phải để bán”.

Cuộc gặp được giới truyền thông đánh giá là một trong những hội nghị song phương được theo dõi sát sao nhất trong lịch sử hiện đại của Canada, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đang có nhiều căng thẳng liên quan đến thương mại, chủ quyền và phát ngôn chính trị.

Tại Phòng Bầu dục hôm 6/5 giờ địa phương, Tổng thống Trump đã ca ngợi ông Carney vì “màn trở lại ngoạn mục nhất lịch sử chính trị” sau chiến thắng của đảng Tự do trong cuộc tổng tuyển cử tuần trước. Ông mô tả chuyến thăm là “vinh dự” cho Nhà Trắng và khẳng định: “Tôi chỉ muốn làm bạn với Canada”.

Tuy nhiên, khi Trump một lần nữa đưa ra ý tưởng Canada có thể gia nhập Mỹ như một tiểu bang, Thủ tướng Carney lập tức phản đối dứt khoát. “Như ông biết từ lĩnh vực bất động sản, có những nơi không bao giờ được rao bán”, ông Carney nói. “Và tôi đã gặp ‘chủ nhân’ của Canada trong suốt chiến dịch tranh cử – họ nói rõ: Không bán. Không bao giờ”.

Ông Trump mỉm cười đáp lại: “Đừng bao giờ nói không bao giờ”. Nhưng ông Carney chỉ nhẹ nhàng lặp lại: “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ”.

Bất đồng vẫn hiện diện

Dù bầu không khí cuộc gặp khá hòa nhã, với những lời khen có cánh từ cả hai phía, nhưng các vấn đề gai góc vẫn lấp ló sau mỗi phát ngôn. Trước giờ gặp ông Carney, ông Trump đăng lên mạng xã hội rằng Mỹ đang “trợ cấp Canada 200 tỷ USD mỗi năm và cung cấp quốc phòng miễn phí”, đồng thời tuyên bố: “Chúng ta không cần xe hơi, năng lượng, gỗ của họ – chỉ cần tình bạn, nếu họ vẫn còn giữ được”.

Ông Carney – người từng bị ông Trump chỉ trích là “cứng đầu” trong chiến dịch tranh cử – đã xây dựng phần lớn thông điệp tranh cử của mình xoay quanh việc bảo vệ chủ quyền Canada trước “mối đe dọa sáp nhập mềm” từ Mỹ. Trong họp báo hậu bầu cử, ông từng nói rõ: “Điều quan trọng là phải phân biệt giữa điều người khác muốn và thực tế”.

Bất đồng về thương mại và thuế quan

Thương mại là một trong những chủ đề lớn tại cuộc gặp. Ông Trump chỉ trích thỏa thuận USMCA (hiệp định thay thế NAFTA) là “thỏa thuận tệ hại nhất lịch sử” và cho biết ông đang xem xét đàm phán lại một số điều khoản. “Chúng tôi đang xử lý các khái niệm”, ông nói. “Chúng tôi không cần xe hơi hay thép từ Canada. Chúng tôi muốn tự làm mọi thứ”.

Khi được hỏi liệu có điều gì ông Carney có thể nói khiến ông dỡ bỏ các mức thuế đối với hàng hóa Canada, ông Trump trả lời: “Không”.

Ông Carney phản bác quan điểm này, nhấn mạnh rằng thỏa thuận hiện tại là “khung nền tảng” cho các cuộc thảo luận tiếp theo, nhưng ông không đồng tình với cách Mỹ áp dụng thuế quan.

Tuyên bố chủ quyền và “cú huých” ngoại giao

Trong phần cuối buổi họp, ông Carney khẳng định ông đã đề nghị ông Trump ngừng gọi Canada là một phần của nước Mỹ. “Tôi đã nói điều đó không mang tính xây dựng, nhưng tổng thống có quyền nói những gì ông muốn”, ông Carney chia sẻ với báo chí.

Tổng thống Mỹ cũng giữ thái độ lạc quan: “Cuộc gặp diễn ra rất tốt đẹp và mở đường cho các cuộc thảo luận tiếp theo. Chúng tôi muốn làm điều đúng đắn cho người dân hai nước”.

Ông Trump cũng bất ngờ nhắc lại mối quan hệ trước đây với cựu Thủ tướng Justin Trudeau – người ông từng công kích kịch liệt – và tuyên bố: “Ông Carney là bước tiến lớn. Một bước tiến tốt đẹp cho Canada”.

Dàn cố vấn cấp cao tháp tùng cả hai lãnh đạo

Ông Carney tới Mỹ cùng với các quan chức cấp cao gồm Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Dominic LeBlanc, Ngoại trưởng Mélanie Joly, Bộ trưởng An ninh công cộng David McGuinty và Đại sứ Canada tại Mỹ Kirsten Hillman.

Phía Mỹ có sự tham gia của Phó Tổng thống J.D. Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện thương mại Jamieson Greer.

Trong cuộc họp, Trump cũng nhân cơ hội công kích chính quyền tiền nhiệm Joe Biden và chỉ trích gay gắt cựu Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, gọi bà là người “đã làm hỏng thỏa thuận” và “thật tồi tệ”.

Lãnh đạo địa phương Canada phản ứng

Trước cuộc gặp, một số lãnh đạo cấp tỉnh Canada đã phản ứng mạnh. Thủ hiến bang Ontario Doug Ford gay gắt: “Người này khiến tôi phát điên. Ông ta lên truyền hình nói ‘Chúng ta không cần Canada’. Thật sao? Canada là đối tác thương mại lớn nhất, ông ta cần kali, nickel, uranium của chúng ta”.

Ford – một chính trị gia bảo thủ nhưng có quan điểm chống Trump rõ rệt – nói rằng ngày càng nhiều Thống đốc bang tại Mỹ phản đối cuộc chiến thương mại mà Trump đang thúc đẩy. “Tôi nóng lòng chờ đến bầu cử giữa nhiệm kỳ. Lúc đó chúng ta sẽ xử lý ‘chiếc xe nhỏ màu đỏ’ của ông ta”, ông nói.

Theo The Guardian