Thủ tục đơn giản để doanh nghiệp không phải xách hồ sơ đi hết cửa nọ cửa kia

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là tạo thủ tục đơn giản để doanh nghiệp không phải 'xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia', hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu.

Sáng 30/10, Quốc hội nghe và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần xây dựng pháp luật để vừa quản lý tốt nhưng phải thông thoáng tạo hành lang cho kiến tạo, phát triển, "chứ không phải cái gì không quản được thì cấm". Ông nhấn mạnh đây là tư duy mới xuyên suốt không chỉ trong lần sửa luật này mà còn trong các luật khác.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà

Về Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết một số quy hoạch đã được quy định trong các luật chuyên ngành còn một số quy hoạch Chính phủ đề xuất đưa vào lần sửa đổi này để không tạo khoảng trống.

Từ trước tới nay nguồn vốn đầu tư công để làm quy hoạch do Quốc hội quyết nên "tỉnh có tiền cũng không tiêu được" dẫn đến công tác quy hoạch chậm trễ. Cho nên lần sửa đổi này cho phép sử dụng nhiều nguồn tiền hợp pháp để làm quy hoạch năng động.

Về Luật Đầu tư, theo Phó Thủ tướng những vấn đề rất khó, rất vướng được Chính phủ lựa chọn đưa vào luật. Trong đó có quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là quy định các địa phương rất cần, bởi "có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực thực thi không có sau đó chuyển nhượng, tạo nên lãng phí rất lớn". Luật sửa đổi quy định chặt chẽ để giúp địa phương chấm dứt những dự án không thực hiện được. Phó Thủ tướng mong muốn đại biểu Quốc hội góp ý thêm để hoàn thiện quy định.

Về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Phó Thủ tướng dẫn chứng đường sắt tốc độ cao chuẩn bị được bàn thảo, không chỉ cần nguồn lực Nhà nước mà còn cần nguồn lực xã hội, ODA...

Luật này trước đó đã loại bỏ phương thức đầu tư theo hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) đã áp dụng trước đó ra khỏi danh mục các loại hợp đồng theo dự án PPP và dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng này.

Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất đưa lại hợp đồng BT vào Luật nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phương thức huy động vốn BT rất cần thiết.

Về quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước có đại biểu cho rằng không nên hạn chế tỷ lệ huy động vốn, Phó Thủ tướng cho biết "nếu để doanh nghiệp 100% thì sẽ không kêu gọi được ai, Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao, doanh nghiệp tham gia một phần thì may ra họ mới tham gia"... Có những dự án rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia PPP cho nên phải tăng tỷ lệ góp vốn Nhà nước lên.

"Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần góp của Nhà nước phải vượt tỷ lệ hiện nay là 50% nhưng không vượt quá 70%", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ngoài ra vấn đề về thủ tục thực hiện 4 luật này, Phó Thủ tướng cho biết tinh thần của Chính phủ là "thủ tục phải rất đơn giản", "chứ còn xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp".

Có đại biểu đề xuất toàn bộ thủ tục giao cho Chính phủ quy định để năng động hơn, Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với đề xuất này.

"Chúng ta tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Khi công khai trình tự thủ tục này cũng đảm bảo xây dựng Chính phủ liêm chính. Không phải xách hồ sơ đi chạy lòng vòng có nghĩa việc xin - cho bị hạn chế. Thủ tục đơn giản thì thuận lợi cho doanh nghiệp, loại trừ việc phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Thủ tục gọn nhẹ cũng giúp chống lãng phí bởi có khi dự án thực hiện 1 năm nhưng thủ tục thì 2 năm...", Phó Thủ tướng phân tích.

Theo Vietnamnet.vn