Đây là nội dung đáng quan tâm tại lễ công bố và vinh danh "Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023" do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức để bình chọn, tôn vinh các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ICT Việt Nam theo từng lĩnh vực, đồng thời giới thiệu tới các đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Để hiện thực hoá mục tiêu cao, trong bối cảnh thế giới biến động, phức tạp và khó lường, Việt Nam cần phải làm nhiều việc phi thường, trong đó có nhiều việc thuộc về sứ mệnh của ngành TT&TT. Đó là thổi bùng lên khát vọng lớn. Việc phi thường chỉ đạt được khi chúng ta có khát vọng lớn. Cách thổi bùng lên khát vọng chính là kể những câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ hiện nay. Đó là cần phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số tinh nhuệ.
Đồng thời, lực lượng chủ công, tinh nhuệ đó phải có một cách đi phù hợp và “đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ TT&TT định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ tự tin bước ra thị trường quốc tế. Đi ra nước ngoài là để chinh phục thị trường vô tận của quốc tế, làm cho doanh nghiệp của mình lớn lên, để quay về phục vụ tốt hơn thị trường trong nước, phục vụ người dân Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Tâm dẫn ví dụ về câu chuyện truyền cảm hứng về sự dấn thân của Rikkeisoft trong 10 năm hình thành và lớn mạnh, với 5 thành viên sáng lập, sau 10 năm đã có 1.500 nhân sự với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 180% hay câu chuyện của FPT tiên phong công nghệ, đầu tư mạnh mẽ nguồn lực để nghiên cứu, sáng tạo các nền tảng công nghệ tiên phong Make in Viet Nam, là lõi của các giải pháp số, chìa khóa để giải các bài toán chuyển đổi số cho hàng triệu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; câu chuyện startup tăng trưởng đột phá TopCV được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30; hay câu chuyện của “Con thuyền lớn Viettel nhận lấy sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số.
Với chương trình "Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023", theo đại diện Ban tổ chức, từ 155 đề cử trong 25 lĩnh vực của 97 doanh nghiệp, Hội đồng đánh giá đã chọn 104 đề cử được vinh danh.
Đặc biệt, danh hiệu “Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ Việt Nam” đã được trao cho 13 doanh nghiệp gồm CMC Global, CTIN, FPT, FPT IS, FPT Software, Trung tâm dịch vụ số MobiFone - Chi nhánh Tổng công ty MobiFone, NashTech Vietnam, One Mount Group, Rạng Đông, Công ty Giải pháp phần mềm Tường Minh, Viettel Solutions, VNPT.
Đại diện VINASA cũng cho biết, theo số liệu thống kê, tổng doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp được vinh danh Top 10 năm nay đạt 164.026 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD chiếm 43,75% tổng doanh thu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 136.000 người.
Riêng 13 "Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ Việt Nam" có doanh thu 119.000 tỷ đồng, tương đương 5,1 tỷ USD và sử dụng 111.600 lao động./.