|
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Buensuceso: Việc các tàu Trung Quốc tiếp tục ở lại bãi đá ngầm Ba Đầu là nguồn cơn gây nên tình hình căng thẳng trong khu vực (Ảnh: Philstar). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo: Thứ trưởng Ngoại giao Elizabeth Buensuceso hôm Thứ Hai (12/4) đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) tới gặp, bày tỏ Philippines “cực kì bất bình trước việc các tàu Trung Quốc neo đậu ở bãi Whitsun (Ba Đầu, Philippines gọi là Julian Felipe) trong một thời gian dài”.
Bà Buensuceso nói: "Việc các tàu Trung Quốc tiếp tục ở lại bên cạnh bãi đá ngầm này là nguồn cơn gây nên tình hình căng thẳng trong khu vực".
Bà nói với đại sứ Trung Quốc rằng hòn đảo này nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 175 hải lý (324 km) về phía tây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và thuộc khu vực biển gần được quốc tế công nhận.
Bà Buencesso cũng trích dẫn phán quyết của trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện chống lại Trung Quốc năm 2016, trong đó xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, mọi yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông vì lý do lịch sử là không có giá trị.
|
Thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines về vụ triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên tới phản kháng (Ảnh: BNGPLP). |
Vào cuối cuộc gặp, bà Buensuceso nhắc lại yêu cầu của Philippines rằng Trung Quốc phải rút tàu ngay lập tức khỏi bãi Ba Đầu và các vùng biển khác của Philippines.
Đầu tháng trước, hơn 220 tàu Trung Quốc xuất hiện gần bãi đá ngầm Whitsun Reef, Philippines nghi ngờ các tàu này do lực lượng dân quân biển Trung Quốc kiểm soát, sau đó tình trạng thù địch giữa Philippines và Trung Quốc đã leo thang. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 25/3 cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên tới để bày tỏ quan ngại về vấn đề này.
Chính phủ Philippines yêu cầu các tàu Trung Quốc này phải rời đi và sau đó Manila điều động lực lượng Hải cảnh và tàu tuần tra đến khu vực này, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố có chủ quyền đối với bãi đá ngầm Ba Đầu, nơi họ nói các tàu Trung Quốc “neo đậu tránh bão trên biển” (!?).
|
Tàu Trung Quốc tập trung ở bãi Ba Đầu (Ảnh: AP). |
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi ngay lập tức. Ông Lorenzana ngày 3/4 cũng tuyên bố rằng vẫn còn 44 tàu Trung Quốc đang ở tại bãi Ba Đầu. Ông yêu cầu các tàu Trung Quốc phải rời đi ngay lập tức.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố các tàu của họ là tàu đánh cá, không phải tàu dân quân biển và chúng neo đậu tại bãi đá ngầm Ba Đầu để “tránh thời tiết xấu”. Nhưng phía Philippines không tin điều đó. Đồng thời, Mỹ cũng thường xuyên lên tiếng ủng hộ Philippines và chỉ trích Trung Quốc.
Ngày 10 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã nói chuyện điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Hai ông đã thảo luận về việc “các tàu dân quân biển” của Trung Quốc tập trung trên bãi đá ngầm Ba Đầu. Ông Austin nhắc lại rằng Mỹ cam kết duy trì sự tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
|
Ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Philippines điện đàm quyết định nối lại quan hệ quân sự giữa hai bên (Ảnh: Mingjing). |
Ông Austin cũng đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, bao gồm nâng cao nhận thức tình huống về các mối đe dọa ở Biển Đông và đề nghị tiếp tục thực hiện "Hiệp nghị lực lượng thăm viếng lẫn nhau” (Visiting Forces Agreement,VFA) giữa quân đội Mỹ và Philippines đã gián đoạn từ tháng 2 năm ngoái.
Ngoài ra, Mỹ và Philippines cũng đã quyết định tổ chức cuộc tập trận chung “Balikatan” (Vai kề vai) của quân đội hai nước kéo dài 2 tuần ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 12/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi do viruscorona chủng mới (COVID-19), quy mô của cuộc tập trận đã giảm đi rất nhiều. Ban tổ chức cuộc tập trận cho biết trọng tâm của cuộc tập trận vẫn sẽ là phòng thủ lãnh thổ, chống khủng bố và thực hiện các bài tập thực hiện dự án nhân đạo.
Cho đến tối 13/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ Đại sứ Hoàng Khê Liên bị triệu tập tới để phản đối này.