Tiếp đoàn tại trụ sở quốc hội có ông Juergen Klimke, nghị sỹ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức (Bundestag).
Giáo sư Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp, đã trao Thư ngỏ tới ông Juergen Klimke và đề nghị ông chuyển bức thư này tới toàn thể các nghị sỹ của Quốc hội Đức. Ông Juergen Klimke đã trân trọng tiếp nhận Thư ngỏ của Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức và cho biết sẽ chuyển đến các nghị sỹ Quốc hội Đức.
Nội dung Thư ngỏ phân tích ý đồ xuyên suốt hàng thập kỷ qua của Trung Quốc trong việc lấn chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam kể cả bằng biện pháp vũ lực, thể hiện qua sự kiện đánh chiếm quần đảo Trường Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 và gần đây là việc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đang không ngừng xây dựng "đảo nhân tạo" ở Biển Đông để phục vụ cả các mục đích quân sự.
Bức thư chỉ rõ những hành động gần đây của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Trên tinh thần đó, Thư ngỏ kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội Đức tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối hành động và ý đồ của Trung Quốc cũng như tăng cường vận động, liên kết với nghị viện EU cùng các nước Anh, Mỹ, Canada, Australia... để gây sức ép quốc tế yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay việc xây dựng các "đảo nhân tạo" trên Biển Đông vì sự ổn định, an toàn của khu vực cũng như của thế giới.
Tại buổi tiếp, ông Juergen Klimke cho biết Biển Đông hiện là vấn đề nghị sự nhận được sự quan tâm lớn của Quốc hội và Chính phủ Đức, trong đó riêng Hạ viện Đức đã có các phiên thảo luận về vấn đề này tháng 4 và tháng 5/2015 vừa qua. Ông Klimke nhấn mạnh kiên quyết phản đối yêu sách “đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc và việc xây dựng "đảo nhân tạo" của nước này làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông, nơi có vị trị trọng yếu đối với hàng hải quốc tế cũng như liên quan trực tiếp tới lợi ích của Đức, cường quốc xuất khẩu số một thế giới. Ông Klimke cho biết sẽ đề xuất đưa Thư ngỏ nói trên vào nội dung thảo luận của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức trong thời gian sớm nhất.
Thư ngỏ nói trên được Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức soạn thảo và đến thời điểm này đã có gần 4.000 người ký tên ủng hộ. Việc ký tên vào Thư ngỏ này đang được tiếp tục triển khai trên toàn CHLB Đức nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Đức đối với tình hình Biển Đông và trên cơ sở đó, chuyển tiếng nói này của bà con kiều bào tới các cơ quan quốc hội và chính phủ sở tại ở Đức.