Thông tư 03 'cứu' nhiều ngân hàng thoát lỗ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo lãnh đạo NHNN, nếu yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải trích lập 100% đối với dư nợ cơ cấu lại do ảnh hưởng Covid-19 ngay trong năm 2021 thì có một số TCTD sẽ bị lỗ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị (Nguồn: NHNN)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị (Nguồn: NHNN)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tính đến hết Quý 1/2021, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỉ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020 - mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 1,3%.

Theo đó, tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp đạt 3,04%;... Trong khi đó, tín dụng vào chứng khoán đạt 45.300 tỉ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020; tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3%.

Tính đến cuối tháng 3/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỉ đồng. Các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 3 triệu tỉ đồng.

Về lộ trình trích lập dự phòng trong 3 năm đối với dư nợ cơ cấu lại do ảnh hưởng Covid-19, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, nếu TCTD nào thấy có năng lực tài chính tốt, có thể trích lập nhiều hơn, thậm chí trích lập 100% ngay trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của NHNN, qua đánh giá cho thấy, nếu yêu cầu các TCTD phải trích lập 100% ngay trong năm 2021 thì có một số TCTD bị lỗ trong năm nay.

Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%. Tăng trưởng tín dụng phải hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Với định hướng trên, bà Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng cần kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; điều hành tín dụng mở rộng đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng, phù hợp với cơ cấu phòng ngừa rủi ro đảm bảo trong hoạt động và luôn đáp ứng việc chi trả cho người dân trong bất kỳ thời điểm nào./.