Đất nền sốt giá, doanh nghiệp có quỹ đất sạch hưởng lợi lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khi cơn sốt đất lên cao, những doanh nghiệp địa ốc niêm yết có sẵn quỹ đất sạch cũng tựa như có được mỏ vàng nên được săn đón…
Đất nền tỉnh lẻ đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Thành Nguyễn
Đất nền tỉnh lẻ đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Thành Nguyễn

Đầu tư kiểu "mì ăn liền"

Một buổi sáng đầu tháng Tư, ông Nguyễn Viết Sơn (Đống Đa, Hà Nội) có mặt tại một khu đất giáp trục đường liên tỉnh đi qua TP. Bắc Ninh theo chỉ dẫn của môi giới. Ngắm qua vị trí của lô đất, thêm vài câu giới thiệu sơ lược, ông Sơn nhanh chóng chốt luôn 4 lô trong diện quy hoạch làm khu đô thị tại đây, chuyển khoản đặt cọc 1 tỷ đồng rồi quay lại Hà Nội cho kịp giờ làm buổi chiều. Mọi thủ tục, giấy tờ đã được nhân viên môi giới chuẩn bị sẵn nên giao dịch diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng như hàng trăm giao dịch khác mỗi tuần.

Thời gian gần đây, những nhà đầu tư bất động sản theo phong cách “mì ăn liền” như ông Sơn không phải là hiếm, nhất là khi giá nhà đất đang sốt nóng như hiện nay. Theo số liệu từ hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí có nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng qua.

Báo cáo của JLL Việt Nam về xu hướng thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM cũng cho thấy, ở những dự án có pháp lý đầy đủ, được triển khai đúng tiến độ…, giá nhà đất tăng cao hơn so với những dự án khác. Còn theo trang Batdongsan.com, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với bất động sản đã tăng mạnh trong thời gian qua và mức độ quan tâm càng cao hơn sau mỗi đợt bùng phát dịch Covid-19.

Tất cả những yếu tố trên đang đặt các doanh nghiệp địa ốc sở hữu quỹ đất sạch trước cơ hội lớn, bởi với lợi thế sẵn có từ quỹ đất, kinh nghiệm phát triển dự án thì không chỉ bản thân các doanh nghiệp được hưởng lợi, mà còn giúp tăng thu ngân sách, hạn chế “bong bóng” nhà đất từ các giao dịch thiếu an toàn...

Đất nền tại nhiều dự án tăng giá từng ngày (Trong ảnh: Dự án dự án Hinode Royal Park tại Hà Nội). Ảnh: Thành Nguyễn
Đất nền tại nhiều dự án tăng giá từng ngày (Trong ảnh: Dự án dự án Hinode Royal Park tại Hà Nội). Ảnh: Thành Nguyễn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyện này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, giá đất tăng chủ yếu do tâm lý kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, bên cạnh một số yếu tố khác như mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thông tin quy hoạch nhiều dự án hạ tầng lớn...

Giải thích rõ hơn, bà An cho biết, những dự án có quỹ đất sạch tức là đã đầy đủ pháp lý, thậm chí đã hình thành sản phẩm sẵn sàng để bán. Đặc biệt, khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp bất động sản tất yếu sẽ chuyển dịch sang các khu vực lân cận, kéo giá nhà đất những nơi này tăng theo.

Đất sạch... hóa vàng

Trong bối cảnh giá đất không ngừng tăng, những nhà phát triển bất động sản có uy tín, thương hiệu, kinh doanh bài bản và đặc biệt là có nhiều đất sạch, đang đứng trước cơ hội lớn từ nhu cầu gia tăng ở cả phương diện đầu tư và để ở.

Hiện tại, không khó để kể ra những doanh nghiệp đang có quỹ đất sạch lớn như Vinhomes, Novaland, TTC Land, Nam Long... Số liệu cuối năm 2019 cho thấy, 14 doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang sở hữu gần 22.000 ha đất sẵn sàng cho phát triển dự án. Trong đó, dẫn đầu là Vinhomes với khoảng 14.500 ha, Novaland với gần 1.825 ha, TTC Land với hơn 1.786 ha, Nam Long với 680 ha… Riêng TTC Land, nếu loại trừ hơn 1.266 ha đất phát triển khu công nghiệp thì quỹ đất ở sạch của xếp sau Nam Long.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các doanh nghiệp này đều đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, nên nhà đầu tư có thể đa dạng hóa kênh đầu tư khi có thể đồng thời đầu tư vào nhà đất và cổ phiếu của doanh nghiệp. Trên thị trường cổ phiếu, những thông tin liên quan tới quy hoạch hạ tầng, phát triển dự án mới… thường tác động tích cực tới thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

Đơn cử, cổ phiếu VC3 của Tập đoàn Nam Mê Kông chốt phiên giao dịch ngày 7/4 ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu đánh dấu phiên tăng điểm thứ 4, trong đó có 3 phiên tăng trần liên tiếp với biên độ tăng 32%. Diễn biến này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư sau khi sau khi UBND tỉnh Quảng Bình giao đất cho Nam Mê Kông để triển khai dự án Khu đô Bảo Ninh 2 quy mô 18 ha tại vị trí đắc địa bậc nhất TP. Đồng Hới.

Không chỉ các doanh nghiệp địa ốc đầu ngành, mà các doanh nghiệp cỡ vừa cũng chọn cách gom đất sạch tại các khu vực vệ tinh nhằm đón sóng bất động sản. Ở phía Bắc, CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hudland (mã HLD) thu hút sự chú ý với các dự án đang triển khai ở Bắc Ninh, Hải Dương…, trong đó có dự án trọng điểm năm nay là dự án Khu dân cư mới Bình Giang quy mô 44,26 ha tại Hải Dương, được chấp thuận đầu tư từ cuối năm 2019 và tới cuối năm 2020 đã được đầu tư hơn 140 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn C.E.O (mã CEO) cũng đang sở hữu hàng trăm héc-ta đất sạch tại Phủ Lý (Hà Nam), Vĩnh Phúc, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc…

Ở phía Nam, Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) nhà phát triển bất động sản được đánh giá cao khi sở hữu nhiều dự án tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, đặc biệt là dự án Gem Sky World diện tích 92,2 ha đón đầu siêu dự án sân bay Long Thành.

Một trong những tập đoàn sở hữu quỹ đất phong phú nhất khu vực phía Nam phải kể tới Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp (mã DIG) với quỹ đất cả nghìn héc-ta từ Vũng Tàu, Đồng Nai đến Vĩnh Phúc.

Trong các khu vực vệ tinh, Bình Dương được đánh giá là thị trường có tiềm năng bậc nhất hiện nay. Với vị trí địa lý nằm cạnh trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, địa phương này là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất quốc tế trong xu hướng chuyển dịch sản xuất về Việt Nam.

Tính riêng năm 2020, Bình Dương hút thành công hơn 1,85 tỷ USD vốn FDI, vượt 31,8% so với kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 3.928 dự án với tổng vốn 35,4 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 3 cả nước, sau TP.HCM và Hà Nội.

Song song với bất động sản khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở của Bình Dương cũng tăng nhanh thời gian qua, giúp các doanh nghiệp có quỹ đất sạch hưởng lợi lớn, trong đó nổi bật nhất là CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC, mã IJC) khi không chỉ sở hữu quỹ đất sạch lớn, mà còn rẻ nhờ được tích lũy từ giai đoạn trước (2014-2016).

Với địa bàn hoạt động chủ yếu trên tỉnh Bình Dương, Becamex IJC sở hữu nhiều dự án bất động sản có quy mô như Khu đô thị Green River Mỹ Phước (571.931 m2), Khu dân cư Hòa Lợi (44.175 m2), dự án Khu biệt thư Sunflower (53.517 m2)… Tính đến nay, Becamex IJC nắm trong tay 9 dự án với quy mô lên tới cả trăm héc-ta, tất cả đều đầy đủ pháp lý và bắt đầu bán ra kể từ thời điểm giá đất bắt đầu tăng.

Theo Đầu tư Chứng khoán