Thống đốc yêu cầu ngân hàng giảm chi phí để hạ lãi suất

Chính sách lãi suất, tín dụng, xử lý nợ xấu là những nội dung mà Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đã chỉ đạo rất cụ thể trong cuộc làm việc chiều nay 27-7 với các chi nhánh ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng .
Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo công tác sắp tới của hệ thống ngân hàng - Ảnh: MINH TỰ
Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo công tác sắp tới của hệ thống ngân hàng - Ảnh: MINH TỰ

Trong đó, thống đốc nhấn mạnh đến vấn đề giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phải đưa tín dụng vào đúng lĩnh vực ưu tiên.

Cắt giảm chi phí để giảm lãi suất

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sự chỉ đạo kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã giúp hệ thống ngân hàng phát triển an toàn lành mạnh. Ngược lại, chính sự sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù có nhiều áp lực tác động lên lãi suất đầu vào, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay đều giảm để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia là 6,7%; tín dụng tăng trưởng 6 tháng đầu năm hơn 9% không có tình trạng dồn vào những tháng cuối năm; dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên, và rủi ro đã được kiểm soát; thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dẫn dắt được thị trường. Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai quyết liệt với mục tiêu phát triển hệ thống an toàn và lành mạnh.

 Về điều hành chính sách tiền tệ, thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Các ngân hàng trên địa bàn cần triển khai chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để góp phần đạt mục tiêu lạm phát cơ bản ở mức 1,8-1,9 %; để có dư địa cho các lĩnh vực khác kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2017.

Đối với lãi suất, Thống đốc yêu cầu toàn bộ hệ thống ngân hàng cần cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, để giảm lãi suất cho vay. Hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô.

Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành kể cả trên thị trường mở, tái cấp vốn, để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn.

Về tín dụng, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tập trung đưa tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, tăng trưởng tín dụng khoảng18%.

Tuy nhiên, ngân hàng nhà nước linh hoạt điều hành để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đưa thêm tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng thương mại cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, nhằm đẩy vốn vào nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu phải công khai, minh bạch

Về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ phê duyệt và nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải bám sát chỉ thị của Chính phủ, các chương trình hành động của ngành ngân hàng, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Đồng thời, Thống đốc nói phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và hạn chế như cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, năng lực thanh tra giám sát còn yếu, năng lực quản trị điều hành của một số ngân hàng còn kém, nên để xảy ra một bộ phận cán bộ ngân hàng phạm pháp, chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức của ngành phạm pháp. “Do áp lực tăng trưởng "nóng" nên công tác giáo dục đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp cho cán bộ ngân hàng chưa tốt, đã xảy ra những vi phạm pháp luật. Đó là điều đau xót!” - thống đốc nói.

Vì vậy, Thống đốc đề nghị cần có biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng như: minh bạch thông tin, nâng cao hoạt động thanh tra giám sát, quản trị điều hành, hệ thống công nghệ thông tin, đưa ra tiêu chuẩn, quy định, chuẩn mực đạo đức cán bộ. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng đề án tái cơ cấu để trình Ngân hàng nhà nước. Việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đảm bảo kỷ cương, công khai, minh bạch và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. 

Theo Tuổi trẻ

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170727/thong-doc-yeu-cau-ngan-hang-giam-chi-phi-de-ha-lai-suat/1359529.html