|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi điện (ảnh tư liệu) |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 15/11 cho hay ngày 14/11 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump.
Trước đó, ngày 9/11, ông Tập Cận Bình cũng đã gửi điện mừng đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bày tỏ chức mừng ông trúng cử. Bài báo cho như vậy là "lễ nghĩa chu toàn".
Theo thông lệ quốc tế, người được điện mừng thì phải gọi điện lại cảm ơn. Ở đây đương nhiên có sự khác nhau về thân sơ, xa gần, từ đó có thể nhìn ra chiều hướng phát triển của quan hệ giữa các nước khác nhau.
Tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ ngày 11/11 đăng bài phỏng vấn cho hay khi ông Donald Trump đề cập đến các vấn đề thuộc lĩnh vực đối ngoại, ngoài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Donald Trump đã gọi điện cho rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hoặc nghe điện mừng của họ.
Ông Donald Trump cho biết, ông đã nhận được một bức thư "đẹp" của Tổng thống Nga. Hopper Richard, nữ phát ngôn viên của ông Donald Trump tối ngày 11/11 cho hãng tin CNN biết thông tin trên là chính xác.
Điều Thời báo Hoàn Cầu cảm thấy ngạc nhiên là, mặc dù ông Tập Cận Bình đã gửi điện mừng ít nhất hai ngày, lẽ nào ông Donald Trump lại không nhận được? Nói cách khác, sau khi trúng cử, ông Donald Trump đã gọi điện cho nhà lãnh đạo các nước chủ yếu trên thế giới, nhưng lại không gọi điện cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Điều này làm người ta nhớ lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 4/11/2008. Ngày 5/11, kết quả bầu cử đã có, ông Barack Obama trúng cử Tân Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Hồ Cẩm Đảo cùng ngày đã gửi điện mừng đến ông Barack Obama.
Sau đó, mãi đến ngày 8/11/2008, ông Barack Obama mới gọi điện đáp lễ. Tức là sau trúng cử 3 ngày, ông Hồ Cẩm Đào và ông Barack Obama mới nói chuyện qua điện thoại. Điều này đã được dư luận để ý.
Do đó, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng ông Donald Trump đã "thất lễ" khi không gọi điện lại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đồng thời tự đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng thái độ này của ông Donald Trump là "có ý đồ", thậm chí "phủ đầu", "tạo uy" với Trung Quốc?
Có nguyên nhân thì có kết quả. Những phản ánh của dư luận "không có lửa thì sao có khói". Cuộc bầu cử Mỹ ồn ào và vẫn để lại nhiều ấn tượng, không ai có thể quên được những phê phán mà ông Donald Trump đã đưa ra đối với Trung Quốc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, nếu do đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump bận quá nên mắc sai lầm thì có thể hiểu được, dù sao thì ông Donald Trump cũng chưa từng làm Tổng thống. Còn nếu thực sự ông Donald Trump có ý đồ “lạnh nhạt” với Trung Quốc hoặc muốn thể hiện thì đã quá "vụng về".
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, sự “vụng về” (thậm chí từ này trong tiếng Trung còn có nghĩa là “ngớ ngẩn”) thể hiện ở "hiện thực", tức là ai làm Tổng thống Mỹ cũng “không thể bỏ qua Trung Quốc”, ông Donald Trump cũng không ngoại lệ.
Bài viết còn tự tin khẳng định, ngoài lựa chọn hợp tác với Trung Quốc, ông Donald Trump không có con đường nào khác.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho biết một sự thực là Trung Quốc sẽ còn phát triển, bất kể Mỹ có chấp nhận hay không, Mỹ cần chấp nhận Trung Quốc. Hai bên không có sự lựa chọn nào khác ngoài hợp tác.
Ông Henry Kissinger còn cho rằng nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột thì đây là điều bất hạnh cho cả hai bên, không có bên nào có thể chịu được cái giá phải trả của xung đột.
Ông Henry Kissinger nói: Trong gần 50 năm quan sát sự phát triển của quan hệ Trung-Mỹ, "điểm tới hạn" của hai bên đã được nhắc đến nhiều lần. Nhưng trên thực tế, trong 8 đời Tổng thống Mỹ, 5 nhà lãnh đạo Trung Quốc đều đã áp dụng chính sách tương tự, cho nên hai bên phải hợp tác.
Bài viết cho rằng quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới hiện nay. Đây là một cục diện lớn không nên thay đổi và cũng không thể thay đổi.
Việc ông Tập Cận Bình ngày 14/11 gọi điện chúc mừng cho ông Donald Trump được Thời báo Hoàn Cầu ca ngợi là ông đã hiểu được "đại thể", "đại cục".
Trong điện mừng, ông Tập Cận Bình nói: "Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của hai nước Trung Quốc và Mỹ". "Là nước đang phát triển lớn nhất, nước phát triển lớn nhất, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các vấn đề Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác và có thể hợp tác rất nhiều".
Những nội dung này không chỉ cho thấy "tôi (Tập Cận Bình) rất coi trọng quan hệ Trung-Mỹ, sẵn sàng cùng Mỹ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước, đem lại lợi ích tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước và nhân dân các nước khác", mà còn cho thấy ông Tập Cận Bình sẵn sàng duy trì quan hệ chặt chẽ với ông Donald Trump, xây dựng quan hệ công tác “tốt đẹp”.
Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần nói rằng Trung Quốc là một quốc gia "to lớn", nhà lãnh đạo Trung Quốc "rất thông minh". Khi nói qua điện thoại với ông Tập Cận Bình, ông cho biết: "Trung Quốc là quốc gia to lớn và quan trọng, triển vọng phát triển tốt đẹp của Trung Quốc được thế giới ngưỡng mộ.
Hai nước Mỹ và Trung Quốc có thể thực hiện cùng có lợi cùng thắng. Tôi sẵn sàng cùng ngài tăng cường hợp tác hai nước. Tôi tin rằng quan hệ Mỹ-Trung nhất định có thể đạt được phát triển tốt hơn".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, phát biểu của ông Donald Trump đã thể hiện được "ý nguyện chính trị tốt đẹp" của ông đối với phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai và nhận thức của ông Donald Trump phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
Trên khởi điểm mới của quan hệ Trung-Mỹ, Tân Tổng thống Mỹ chắc chắn muốn thể hiện cứng rắn, với ngọn cờ "lợi ích của Mỹ là số một", ông Donald Trump có lúc có thể sẽ thể hiện một số "động tác nhỏ", nhưng sẽ không gây ra "sóng lớn".
Bài viết cho rằng bản thân Trung Quốc cần không ngừng loại bỏ mọi trở ngại, phải tự mạnh lên "để cho bất cứ ai ngồi vào Nhà Trắng phải biết rằng Trung Quốc là nước không thể bỏ qua, hợp tác là sự lựa chọn sáng suốt duy nhất".