|
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters) |
Thỏa thuận bước ngoặt
Theo thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian, Israel nhất trí ngừng sát nhập các khu vực thuộc Bờ Tây bị chiếm đóng. Nước này cũng tăng cường quan điểm cứng rắn hơn nhằm vào thế lực trong khu vực là Iran - quốc gia mà UAE, Israel và Mỹ coi là mối đe dọa chính ở Trung Đông.
Israel đã ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordan vào năm 1994. Nhưng UAE, cùng với phần lớn các nước Arab khác, vẫn không công nhận Israel và không có mối quan hệ ngoại giao chính thức với nước này cho đến tận bây giờ. Hiện tại, UAE đã trở thành quốc gia Arab ở Vùng Vịnh duy nhất đạt được thỏa thuận với nhà nước Do Thái.
Giới chức của 3 nước đã gọi thỏa thuận mới là "lịch sử" và là bước đột phá hướng tới hòa bình. Nhưng các lãnh đạo của Palestine lại chỉ trích nó là một "nhát đâm sau lưng".
Một tuyên bố chung được đưa ra nói rằng Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Hoàng thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed đã "nhát trí về việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và UAE". Thỏa thuận sẽ cho phép hai nước "hướng tới con đường mới, từ đó sẽ mở ra triển vọng lớn trong khu vực".
Israel và UAE được dự kiến sẽ sớm trao đổi các Đại sứ và Đại sứ quán. Một buổi lễ ký kết dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhà Trắng.
"Như kết quả trong bước đột phá ngoại giao này và theo đề nghị của Tổng thống Trump, cùng với sự ủng hộ của UAE, Israel sẽ ngừng tuyên bố chủ quyền" đối với các khu vực ở Bờ Tây như đã nêu trong một kế hoạch của Mỹ mà ông Trump công bố hồi tháng 1 năm nay; tuyên bố chung có nêu.
Thỏa thuận này, còn được gọi là Thỏa thuận Abraham, cũng được coi là một thành tựu chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump trong lúc ông đang tranh cử giành nhiệm kỳ thứ hai. Phát biểu tại Phòng bầu dục, Nhà Trắng, ông Trump nói rằng những thỏa thuận thương tự đang được thảo luận với các quốc gia khác trong khu vực.
Ông Trump nói rằng thỏa thuận mới đã giúp đoàn kết "2 đối tác gần gũi và có khả năng nhất của Mỹ trong khu vực" và đại diện cho "một bước đi đáng kể hướng tới xây dựng một khu vực Trung Đông hòa bình, an ninh và thịnh vượng hơn".
UAE cho hay họ sẽ vẫn duy trì quan điểm ủng hộ mạnh mẽ người Palestine - những người hy vọng thành lập một nhà nước độc lập ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, Dải Gaza và Đông Jerusalem - và rằng thỏa thuận này vẫn đảm bảo giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine.
"Nhát đâm sau lưng"
|
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo về thỏa thuận mới đạt được với UAE (Ảnh: Reuters)
|
Thỏa thuận này cũng có thể là cú hích đối với Thủ tướng Netanyahu, người đang bị xét xử vì cáo buộc tham nhũng và tỷ lệ ủng hộ suy giảm do cách ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Netanyahu nói rằng thỏa thuận này sẽ dẫn tới "hòa bình chính thức và hoàn toàn" với UAE đồng thời nêu hy vọng rằng các quốc gia khác trong khu vực sẽ tiếp bước. Israel cũng tán thành đề nghị của ông Trump là "tạm thời hoãn" thực thi cam kết sáp nhập; ông Netanyahu cho hay.
"Đây là khoảnh khắc vui mừng không gì so sánh được, một khoảng khắc lịch sử vì hòa bình ở Trung Đông" - ông Netanyahu nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lại chỉ trích thỏa thuận. Phát ngôn viên Abu Rudeineh, đã đọc một tuyên bố bên ngoài trụ sở làm việc của ông Abbas ở Ramallah, khu Bờ Tây, nói rằng đây là hành động "phản bội". Khi được hỏi rằng giới lãnh đạo Palestine có biết trước về thỏa thuận này hay không, nhà đàm phán kỳ cựu Hanan Ashrawi nói với Reuters: "Không. Chúng tôi đã bị che mắt...đây là một hành động bán đứng".
Ở Gaza, Fawzi Barhoum, phát ngôn viên của nhóm vũ trang Hamas, nói rằng: "Việc bình thường hóa này là một nhát đâm vào lưng Palestine và nó chỉ phục vụ cho riêng việc chiếm đóng của Israel".
"Cơn ác mộng" với Iran
|
Một phụ nữ Palestine đi qua bức tranh cổ động chống kế hoạch sát nhập nhiều phần khu Bờ Tây của Israel (Ảnh: Reuters)
|
Đặc phái viên của Tổng thống Trump, Brian Hook, đã gọi thỏa thuận này là "cơn ác mộng" đối với Iran. Một quan chức của Iran thì nói rằng thỏa thuận mới không giúp đảm bảo hòa bình trong khu vực.
Phản đối cái gọi là "Israel tội phạm", ông Hossein Amir-Abdollahian, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Iran, viết trong một đoạn tweet: "Hành vi của Abu Dhabi là không thể biện minh, khi quay lưng với Palestine. Bằng sai lầm chiến lược này, UAE sẽ bị bao vây bởi ngọn lửa chủ nghĩa phục quốc".
Iran và Israel vốn là kẻ thù không đội trời chung. Israel đặc biệt quan ngại về việc Iran ngấm ngầm phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Tehran bác bỏ. Iran cũng dính líu tới nhiều cuộc chiến ủy nhiệm ở nhiều nước, từ Syria cho tới Yemen - nơi mà UAE là thành viên dẫn đầu trong liên minh quân sự do Arab Saudi thành lập để chống lại lực lượng thân Iran.
Với dân số dưới 10 triệu người nhưng lại là nền kinh tế lớn thứ hai trong thế giới Arab nhờ vào dầu khí, UAE ngày càng có vị thế về thương mại và quân sự trong khu vực Vùng Vịnh và xa hơn trong suốt 2 thập kỷ qua, phần lớn là nhằm đối phó với các lực lượng phiến quân Hồi giáo và tầm ảnh hưởng của Iran.
Các phái đoàn đến từ Israel và UAE sẽ gặp gỡ trong những tuần tới để ký thỏa thuận trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch, nối chuyến bay trực tiếp, an ninh, viễn thông và nhiều lĩnh vực khác; theo tuyên bố chung.
"Mọi người đều nói điều này là không thể" - Tổng thống Trump nói - "Giờ thì băng đã bị phá, tôi kỳ vọng sẽ có thêm các nước Arab và Hồi giáo sẽ tiếp bước UAE".