Giới quan sát cho rằng thậm chí ngay cả khi kỳ nghỉ vào tháng 8 của Quốc hội được xem là cơ hội để phe đối lập (phản đối thỏa thuận) trong đảng Cộng hòa cản trở thỏa thuận được công bố ngày 14/7 cũng như chiến dịch vận động hành lang mà Tổng thống Obama đang tiến hành, thì thực tế lại cho thấy họ khó có thể ngăn cản việc văn bản này được thông qua. Hơn thế nữa, những thành viên thuộc đảng Dân chủ phản đối thỏa thuận của Tổng thống Obama cũng cần phải quy tụ đủ số ý kiến phản đối ở cả hai viện, và kể cả trong trường hợp phe đối lập đang ra sức tìm cách lôi kéo những nhân vật có nhiều ảnh hưởng thì việc thỏa thuận thất bại ở cửa ải này cũng là điều khó có thể xảy ra.
Điều này có nghĩa, trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc, phe Cộng hòa nắm giữ quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội và đang nhắm tới mục tiêu quan trọng là Nhà Trắng, nhà lãnh đạo da màu của nước Mỹ ngày càng tiến gần hơn tới một chiến thắng quan trọng, nhiều khả năng sẽ là di sản nổi bật của ông trên cương vị người đứng đầu đất nước. Thỏa thuận này, theo ông và những người ủng hộ, nếu thành công sẽ là nhân tố giúp thế giới trở nên an toàn hơn trước tham vọng hạt nhân của Iran. Những người phản đối không ngừng cảnh báo rằng kết quả có thể sẽ trái ngược, và rằng thỏa thuận sẽ càng khiến Tehran hung hăng hơn, trở thành mối nguy đối với Israel và toàn thế giới.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez, thuộc bang New Jersey, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng thỏa thuận cần phải được rút lại và các bên tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, những ý kiến phản đối như của ông Menedez là điều đã được dự đoán trước. Thậm chí, ông còn không nói đến khả năng những tiếng nói phản đối như ông sẽ thắng thế tại Quốc hội, một dấu hiệu cho thấy "thất bại" dành cho phe đối lập là điều khó tránh khỏi.
Thỏa thuận hạt nhân ngày 14/7 yêu cầu Iran thu hẹp phần lớn chương trình hạt nhân trong ít nhất 1 thập kỷ để đổi lấy việc phương Tây, Liên hợp quốc và Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt - điều có thể giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này nhận lại được hàng tỷ USD. Tuy nhiên, chính phủ Israel và giới chỉ trích tại Mỹ cho rằng điều này sẽ không ngăn cản Iran chế tạo bom hạt nhân.
Theo luật định, Quốc hội Mỹ có quyền xem xét thỏa thuận, và một cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành vào ngày 17/9. Nhiều khả năng Quốc hội - hiện do phe Cộng hòa kiểm soát - sẽ bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, Tổng thống Obama sau đó sẽ phủ quyết điều này, và phe đối lập sẽ lại cần có 2/3 đa số tại cả hai viện để vượt qua quyết định của ông Obama.
Tổng thống Obama cần sự ủng hộ của 34 trên 46 Thượng nghị sỹ thuộc phe Dân chủ để bảo toàn quyền phủ quyết của mình tại Thượng viện, và hiện đã có 23 người tuyên bố ủng hộ Tổng thống. Thượng nghị sỹ Jack Reed và Sheldon Whitehouse của Rhode Island đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ ông Obama ngay sau khi ông Menedez tuyên bố phản đối. Tại Hạ viện, 146/188 Hạ nghị sỹ Dân chủ là con số cần thiết để đảm bảo quyền phủ quyết và hơn 50 nhà lập pháp đã tuyên bố ủng hộ, trong khi có 10 nhân vật khác nói rằng sẽ bỏ phiếu chống.
Sau kỳ nghỉ, Tổng thống Obama đã bắt đầu kế hoạch vận động hành lang để lôi kéo các nhân vật chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nhà Trắng cho biết ông Obama đã tổ chức các cuộc gặp riêng hoặc theo nhóm nhỏ với gần 100 nhà lập pháp, và hơn một chục cuộc họp với nội các và giới chức cấp cao, kể từ khi thỏa thuận được công bố hồi tháng trước,
TTK theo Báo Tin Tức