Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ Mỹ đứng sau cuộc đảo chính, Obama nói Erdogan hãy giữ thái độ

VietTimes -- Đài tiếng nói Đức (Deutsche Welle) ngày 17/7 cho rằng sau khi cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bị trấn áp, quan hệ giữa Ankara và Washington bước vào trạng thái căng thẳng. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giữ thái độ kiềm chế, trong quá trình xử lý đảo chính, hành sự theo pháp luật. 
Binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gây đảo chính bị người dân khống chế. Ảnh: Chinatimes.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong một hội nghị, ông Barack Obama chỉ ra Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với các thách thức chung. 

So với ông Barack Obama, phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rõ ràng hơn. Ông đưa ra cảnh cáo với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu không nên để quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn thương.

Ông John Kerry đã kiên định bác bỏ việc Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ đã tham gia cuộc đảo chính bất thành. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ viết:

"Ông John Kerry cho biết rõ, Mỹ sẽ hỗ trợ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra quá trình đảo chính, những tin đồn Mỹ đã tham gia cuộc đảo chính là hoàn toàn không đúng sự thật, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương".

Khi cuộc đảo chính vừa xảy ra, ông Barack Obama và ông John Kerry đã lên tiếng chỉ trích, đồng thời kêu gọi ủng hộ chính phủ dân cử Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nhưng, Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Sueleyman Soylu sau đó đã đưa ra ám chỉ rằng Mỹ là người đứng sau cuộc đảo chính bất thành lần này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Đài tiếng nói Đức.

Chính quyền Ankara cho rằng người vạch kế hoạch chính của cuộc đảo chính lần này là giáo sĩ Fethullah Gulen hiện đang sống ở Mỹ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố, tất cả những nước đứng về phía Fethullah Gulen đều sẽ bị coi là tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan cũng kêu gọi Washington dẫn độ ông Fethullah Gulen. Đối với vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ đưa kẻ gây đảo chính ra trước công lý, nhưng trước khi hành động phải có chứng cứ.

Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tấn công đường không của Mỹ đối với IS. Máy bay không kích Mỹ chủ yếu đến từ căn cứ Incirlik Thổ Nhĩ Kỳ. 

Sau khi xảy ra đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng không phận từ khu vực này đến biên giới Syria. Vì vậy, không quân Mỹ cũng không thể cất cánh từ Incirlik. 

Khu vực này cũng có 250 binh sĩ Đức. Không quân Đức cất cánh từ đó thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tiếp dầu trên không.

29 thượng tá bị mất chức, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận áp dụng lại án tử hình

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ trèo lên xe tăng sau khi quân đảo chính đầu hàng. Ảnh: UDN.

Trước đó, vào tối thứ Bảy, một bộ phận binh sĩ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ định tiến hành đảo chính. Ở thủ đô Ankara và thành phố lớn Istanbul hầu như đồng thời xảy ra bắn nhau quyết liệt. 

Theo số liệu chính thức, đã có 265 người bị chết, trong đó 161 người là thường dân và binh sĩ trung thành với chính phủ, 104 người là quân nổi dậy, có 1.440 người bị thương.

Sau khi cuộc đảo chính nổ ra chỉ vài giờ, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố cuộc đảo chính thất bại. Theo thông tin chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, đến sáng ngày Chủ Nhật, đã co gần 6.000 quân nổi dậy bị bắt, trong đó có ít nhân 5 tướng, 29 sỹ quan cấp cao (báo Trung Quốc viết tương đương quân hàm thượng tá trong PLA) bị mất chức, đồng thời khoảng 2.700 thẩm phán bị cách chức. 
 
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng tiến hành một cuộc thanh trừng lớn triệt để đối với giới quân sự, không loại trừ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành thảo luận việc áp dụng lại hình phạt tử hình.