Theo khảo sát của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào tháng 9-2013, nền kinh tế sáng tạo đóng góp trung bình 5,2% GDP cho các quốc gia. Theo các công bố của IMF, Ngân hàng Thế giới, Liên hiệp quốc, GDP của toàn thế giới năm 2014 ở mức 78.000 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, nền kinh tế sáng tạo trên thế giới có giá trị khoảng 4.056 tỉ đô la Mỹ. Con số của WIPO chỉ tính những sản phẩm có đăng ký bản quyền.
Sự phát triển của kinh tế sáng tạo duy trì ở mức trung bình 10,7%/năm trong hơn 10 năm nay, theo số liệu của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD). Như vậy, kinh tế sáng tạo là con đường không thể không theo đối với tất cả các nước trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần và biến đổi khí hậu ngày càng làm tổn thương nhiều cộng đồng người, đặc biệt là người dân Việt Nam.
Tài năng người Việt bị đánh giá thấp
Để trở thành một quốc gia có nền kinh tế sáng tạo mạnh, một quốc gia đổi mới sáng tạo thì phải hình thành được một “giai tầng sáng tạo” (creative class) đủ lớn. Creative class là một khái niệm thú vị được nhà khoa học kinh tế - xã hội người Mỹ - Richard Florida, đưa ra vào đầu những năm 2000. Ông cho rằng “giai tầng sáng tạo” là động lực chính cho sự phát triển kinh tế thời hậu công nghiệp.
Florida mê khái niệm “creative class” đến mức ông cùng các cộng sự ở Viện Martin Prosperity Institute thuộc Đại học Toronto (University of Toronto, Canada) lập ra chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Creativity Index - GCI) để xếp hạng các quốc gia hàng năm. Ba chỉ tiêu cơ bản để tạo ra GCI là 3 chữ T: Talent (tài năng: tỷ lệ người có học vấn và được đào tạo kỹ năng chuyên môn cao); Technology (công nghệ: hạ tầng công nghệ cần thiết thúc đẩy sáng tạo); và Tolerance (sự khoan dung giữa các cộng đồng người với nhau, với tư tưởng mới, cách nhìn mới). Việc đưa chữ T thứ ba vào làm chỉ tiêu để chấm điểm quả là độc đáo, vì không thể có sáng tạo nếu cứ giữ định kiến với sự khác biệt, phán xét người khác dựa trên những lối mòn...
Theo bảng GCI năm 2015, các nước đứng đầu là Úc, Mỹ, New Zealand, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển... Việt Nam được xếp hạng 80 về chỉ số sáng tạo. Xếp hạng chi tiết hơn về các chỉ tiêu thì Việt Nam hạng 73 về sự khoan dung, hạng 45 về công nghệ và hạng 104 về tài năng. Việc xếp hạng của GCI vẫn gây ra những bàn cãi trên thế giới, tuy nhiên, cũng có thể nhìn vào đó để rút ra nhiều điều có ích.
Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi thấy Việt Nam được xếp hạng khá cao về nền tảng công nghệ nhưng lại khá thấp về nền tảng tài năng. Nói ngạc nhiên vì từ trước đến nay, khi nhìn nhận về người Việt, luồng dư luận chiếm ưu thế luôn là: “Người Việt thông minh”, thậm chí là “không thua kém dân tộc nào”; “nước Việt dồi dào tài năng nhưng vì chưa đầu tư đúng mức về hạ tầng nên chưa phát huy được tiềm lực”...
Chất lượng con người có vấn đề?
Theo báo cáo đánh giá về chỉ số cạnh tranh toàn cầu GCI (Global Competitiveness Index) 2015-2016 của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện trên 140 nước, các chỉ số của Việt Nam khá thấp. Chỉ số giáo dục và đào tạo bậc cao xếp hạng 95/140 cho thấy còn thiếu các trường đại học có chất lượng cao để phát triển công nghệ. Thực tế là các doanh nghiệp luôn kêu gào thiếu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (CNTT). Cuối năm 2015, công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đưa ra dự báo đáng ngại là từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 1 triệu nhân lực CNTT.
Ông Hoàng Linh, đại diện cho Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneurs), một trong số các đơn vị đồng tổ chức lễ hội khởi nghiệp Saigon Tech Startup Fest diễn ra vào ngày 12-3 vừa qua, cho rằng: “Chưa chắc lực lượng CNTT đông đảo là sẽ tạo ra chất lượng cao trong sáng tạo. 90% nhân lực CNTT hiện nay làm việc cho các công ty gia công phần mềm của nước ngoài tại Việt Nam, hoặc công ty Việt Nam gia công phần mềm cho nước ngoài. Đó là những công việc an toàn, ổn định nhưng sự kích thích sáng tạo không nhiều. Trước khi đi làm, các bạn trẻ đã không được khuyến khích sáng tạo ở các cấp học, ở các chương trình đào tạo chuyên ngành, các bạn cũng không được kích thích tìm tòi, tạo ra các sản phẩm riêng của mình”.
Nguyễn Trường, người sáng lập Chopp.vn, công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ đi chợ giúp khách hàng, nêu nhận định: “Đi đến đâu tôi cũng nghe các bạn trẻ nói rất hăng say về các ý tưởng. Nhưng tôi cho rằng ý tưởng chỉ là phần nhỏ, thực hiện ý tưởng mới là quan trọng và cần rất nhiều kỹ năng. Các kỹ năng đó tôi lại thấy chưa có nhiều ở các bạn trẻ”.
Đỗ Anh Minh là một cái tên quen thuộc trong giới công nghệ và khởi nghiệp với các bài viết sắc sảo trên trang Tech in Asia, hiện là Giám đốc truyền thông của quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex Ventures. Anh đã chỉ ra một loạt điểm yếu của các bạn trẻ Việt Nam như: tiếng Anh bị giới hạn, “cái tôi” quá lớn, tâm lý nôn nóng thành công ngay, khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh còn yếu và đặc biệt là gần như không thể làm việc cùng nhau...
Và bên cạnh các ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến phát triển các ứng dụng di động còn có một mảng lớn khác là sáng tạo ra các sản phẩm tiêu dùng. Mảng sáng tạo này không mạnh trong lực lượng khởi nghiệp trẻ Việt Nam.
Doanh nghiệp ít quan tâm đổi mới sáng tạo
Một khảo sát được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện hồi tháng 9-2015 tại 143 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết mục tiêu của việc đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp về cơ bản chỉ nhằm đạt hoặc hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn. Đáng báo động, một số doanh nghiệp được phỏng vấn khẳng định họ chọn giải pháp hợp tác hay bán một phần cổ phần cho đối tác nước ngoài để qua đó tiếp cận được nguồn cung cấp vốn cũng như công nghệ mới.
Khảo sát khác của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM cho thấy các DNNVV ít quan tâm đến đổi mới sáng tạo: 72% trong số 589 doanh nghiệp được hỏi không có chính sách đầu tư về nhân lực; 78% chưa đầu tư tài chính cho công tác nghiên cứu - phát triển. Cuộc khảo sát 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM mà Bộ KH&CN thực hiện năm 2014 cho thấy chi phí đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp, chỉ khoảng 0,2-0,3% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu - phát triển ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản là gần 50%.
Tại các hội thảo về đổi mới sáng tạo, hầu hết ý kiến từ doanh nghiệp lại đều xoay quanh câu chuyện về trợ vốn, chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp KH-CN và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho sản phẩm đầu ra. Ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB trong buổi hội thảo được Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 10-3, cho rằng sự hỗ trợ vốn và chính sách chỉ có thể xem như một liều thuốc kích thích, đó không phải là một khái niệm phải có. Nếu doanh nghiệp tự thân không muốn đổi mới sáng tạo thì không có liều thuốc nào hiệu quả.
Theo số liệu từ Sở KH&CN TPHCM, trong tổng số 121.107 doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM, chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN. Còn theo Bộ KH&CN, cả nước mới có 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Vậy mà chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt là đến năm 2020 phải có khoảng 5.000 doanh nghiệp KH-CN.
Không biết đào đâu ra nhanh như vậy?
Theo TBKTSG