|
Hàng ngàn đơn vị vũ khí trôi nổi khắp châu Âu có thể lọt vào tay bọn khủng bố. Ảnh: I-HLS |
Những khẩu tiểu liên Kalashnikov và các thiết bị gây nổ được bọn khủng bố sử dụng trong một loạt vụ tấn công ở Paris - Pháp đêm 13 -11 gần đây đã đặt ra nhiều dấu hỏi, chẳng hạn: Bằng cách nào các loại vũ khí như vậy lọt vào được một đất nước áp dụng luật pháp nghiêm ngặt về súng như Pháp? Chúng có nguồn gốc từ đâu?.
Mua hợp pháp
Các vụ thảm sát ở Paris cướp đi ít nhất 130 sinh mạng đã được thực hiện bằng những thiết bị gây nổ và những khẩu AK-47 hay Kalashnikov, vốn bất hợp pháp ở Pháp. Sau vụ khủng bố 2 ngày, nhà chức trách đã phát hiện trong một chiếc ô tô bị bỏ ở một khu ngoại ô Paris một số khẩu Kalashnikov được cho là vũ khí của các nghi can khủng bố - một nguồn tin tiết lộ với đài BBC.
Tương tự, tất cả các vụ tấn công tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo ở Paris hôm 7-1 làm 12 người thiệt mạng, vụ xả súng vào cảnh sát và siêu thị 2 ngày sau đó đều được thực hiện với loại súng tiểu liên AK-47.
Luật pháp nước Pháp nghiêm cấm cá nhân sở hữu các loại súng quân sự, ngoại trừ các nhà sưu tập có giấy chứng nhận. Ngoài ra, những ai muốn sở hữu súng ngắn hoặc súng săn đều phải trải qua cuộc kiểm tra nhân thân nghiêm ngặt và khám sức khỏe tâm thần, đồng thời phải có giấy phép sử dụng súng.
Mặc dù bất hợp pháp ở Pháp, các loại súng bán tự động và hoàn toàn tự động đã trở nên ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Cơ quan Quan sát tình trạng phạm pháp quốc gia, có trụ sở ở Paris, tổ chức chính phủ thành lập năm 2003, báo cáo rằng các loại vũ khí hợp pháp ở Pháp đã tăng lên đều đặn với tỉ lệ 2 con số trong mấy năm qua.
Tháng 10-2014, các cuộc bố ráp một số căn nhà ở 4 khu vực trên nước Pháp đã phát hiện hàng trăm khẩu súng, trong đó có súng máy và súng tự động. Ngoài ra, nhà chức trách đã bắt 48 người trong đường dây buôn lậu vũ khí lớn có tổng hành dinh ở Paris.
Các chuyên gia nhận định: Hầu hết số vũ khí được phát hiện trên thị trường “đen” ở Pháp và các nước Tây Âu đều xuất xứ từ các quốc gia - đa số ở Đông Âu - đang gia tăng nhanh chóng các loại súng ống nhưng các quy định có hiệu lực về súng thì lỏng lẻo hoặc được buôn lậu từ các khu vực có xung đột.
“Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta có nhiều khẩu súng AK-47 trên thị trường “đen” là bởi vì Nga gần đây đã nâng cấp Kalashnikov và sự kiện đó tạo ra những kho súng kiểu mẫu cũ khổng lồ” - Kathie Lynn Austin, chuyên gia về buôn lậu vũ khí và là giám đốc Dự án Nhận thức Xung đột, tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên điều tra bọn buôn lậu vũ khí cộm cán, nhận định.
Trong khi đó, một tờ báo Slovakia đưa tin những khẩu AK-47 mà bọn khủng bố sử dụng trong vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo đã được mua hợp pháp của một cửa hàng ở Slovakia chuyên bán các vũ khí đã bị vô hiệu hóa để bán cho các nhà sưu tập và sử dụng đóng phim. Số súng này đã được cải tạo để bắn đạn thật và cuối cùng được bán cho những kẻ tấn công ở Paris thông qua một nhà buôn vũ khí người Bỉ ở Brussels, nhân vật đã bán cho họ khẩu súng phóng lựu bắn rocket, theo tờ Haaretz.
Thị trường bất hợp pháp
Số vũ khí buôn lậu vào Tây Âu ngày càng tăng qua thị trường bất hợp pháp thường xuất phát từ khu vực Balkan, gồm Albania, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Kosovo, Montenegro, Serbia và Macedonia. Sau các cuộc chiến tranh ở Balkan vào những năm 1990, rất nhiều vũ khí còn nằm trong tay thường dân. Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí nhỏ ở Geneva - Thụy Sĩ ước tính trong khu vực này có khoảng 500.000-1,6 triệu hộ sở hữu súng.
Ngoài ra, vô số vũ khí xuất phát từ các cuộc chiến cũng được tuồn ra ngoài biên giới, chẳng hạn hàng triệu khẩu súng có nguồn gốc từ cuộc xung đột Libya, theo Hiệp hội Chính sách Đối ngoại ở New York - Mỹ. “Người ta lo ngại các loại vũ khí này đang tìm đường vào Tây Âu” - Glenn McDonald, nhà nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí nhỏ, nhấn mạnh.
Thêm vào đó, nữ chuyên gia Austin cho rằng một số chính phủ gia nhập thị trường “xám”, trong đó vũ khí được bán hợp pháp có thể rơi vào thị trường đen. Tình trạng này liên quan đến những loại vũ khí bắt nguồn từ cuộc chuyển nhượng hợp pháp của chính phủ nhưng khi các lực lượng được trang bị vũ khí để làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia có thể họ sẽ bán lại cho các kênh bất hợp pháp hoặc các nhà môi giới vũ khí chợ đen.
Các chuyên gia nhận định các nhà môi giới vũ khí đóng vai trò chủ yếu trong việc buôn vũ khí chợ đen, họ giả mạo các giấy tờ của chính phủ hoặc giấy phép để hoàn tất hợp đồng.
Nhiều thương vụ vũ khí bất hợp pháp diễn ra trên internet với các phương thức thanh toán điện tử như bitcoin khiến cho nhà chức trách không thể lần ra dấu vết người mua. Chỉ với vài cái click chuột máy tính, người ta có thể mua được 1 khẩu AK-47 với giá chưa tới 2.000 USD.
Có thể khẳng định tất cả mọi thành phố lớn ở châu Âu đều có chợ “đen” vũ khí. Số vũ khí này được tuồn vào Tây Âu bằng cách buôn lậu với từng số lượng nhỏ, chẳng hạn chở trong cốp ô tô. Đáng chú ý, theo báo The Telegraph, các thành phố Paris, Marseille, Lyon, Grenoble và Toulouse nổi tiếng là những nguồn cung cấp chính đối với bọn buôn lậu. Còn Pháp là quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng cao đứng thứ hai ở EU, sau Phần Lan. EU tin rằng vũ khí được chuyển theo 2 tuyến chính từ Balkan vào Pháp - một ở miền Nam, qua Ý và một qua Slovenia, Áo vào miền Đông.
Kỳ tới: Khó ngăn chặn
Bỉ - Điểm nóng
Trước năm 2006, nước Bỉ đã từng là điểm nóng buôn bán vũ khí ở châu Âu vì luật pháp cho phép sử dụng súng tự do. Bất chấp luật pháp Bỉ hiện nay nghiêm ngặt hơn, trong những năm gần đây, cảnh sát nước này nhận thấy hiện tượng tội phạm sở hữu và sử dụng các loại vũ khí theo kiểu quân đội gia tăng, chẳng hạn như Kalashnikov. Nhìn chung, giá vũ khí “chợ đen” ở Bỉ dao động trong khoảng 1.000-2.000 euro.
Theo NLĐ