Thị trường bất động sản ảnh hưởng thế nào khi Mỹ áp thuế 46%?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia cho rằng phân khúc bị ảnh hưởng nhiều là bất động sản khu công nghiệp, do nhu cầu thuê đất, nhà xưởng ở đây có thể bị tác động tiêu cực nếu mức áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam được thực thi.

Sáng 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao nhất là 46%.

Việt Mỹ bất ngờ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam được xem là một động thái nhằm tái cân bằng cán cân thương mại và bảo vệ hàng hóa Mỹ, dự báo sẽ gây ra tác động sâu sắc tới kinh tế Việt Nam. Với thị trường bất động sản, các chuyên gia nhận định sẽ có một số tác động lớn, đặc biệt với bất động sản khu công nghiệp và dân sinh.

Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ gặp khó?

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam Batdongsan.com.vn, bất động sản khu công nghiệp vốn là điểm sáng trong suốt nhiều năm qua, nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và dòng vốn FDI ổn định. Tuy nhiên, mức thuế 46% từ Mỹ đang đặt ra rào cản lớn cho các tập đoàn đa quốc gia – vốn đang đặt nhà máy tại Việt Nam nhằm phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Tuấn nhận định, nếu mức áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam được thực thi, các nhà đầu tư lớn có thể phải giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy tại Việt Nam do chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng cao. Điều này làm giảm nhu cầu thuê đất, nhà xưởng tại các khu công nghiệp trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Long An…

Giá thuê có thể chững lại hoặc điều chỉnh giảm, trong khi các khu công nghiệp đang triển khai có nguy cơ trì hoãn kế hoạch.

cn.jpg
Chuyên gia cho rằng các tên tuổi lớn có thể giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Không chỉ bất động sản công nghiệp, ông Tuấn cho rằng phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân có thể đối mặt với áp lực thanh khoản. Lao động tại các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử – vốn sử dụng đến 30% tổng lực lượng lao động – có thể bị cắt giảm hoặc giảm thu nhập, do doanh nghiệp gặp khó khăn.

"Trong bối cảnh đó, khả năng mua nhà ở thực sẽ suy yếu, đặc biệt ở các đô thị vệ tinh và vùng công nghiệp - nơi nhu cầu nhà ở từng được kỳ vọng tăng trưởng nhờ làn sóng FDI", ông Tuấn nhận định.

Đối với bất động sản cao cấp, khách hàng ngoại quốc, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc là nhóm mua để ở và đầu tư tại Việt Nam khá nhiều. Nếu dòng vốn FDI suy giảm, số lượng chuyên gia nước ngoài cũng sẽ giảm theo, từ đó kéo nhu cầu mua và thuê bất động sản cao cấp chững lại, ảnh hưởng trực tiếp đến phân khúc vốn được xem là ít biến động này.

Theo chuyên gia này, trong ngắn hạn, tâm lý thị trường bất động sản có thể rơi vào trạng thái “chờ đợi”. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam và diễn biến chính sách thương mại toàn cầu trong thời gian tới.

Dự báo về thị trường ẩn số

Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting, kiêm Giám đốc đầu tư DKRA Group cho rằng việc Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% thực sự là một "cú sốc" đối với nhiều doanh nghiệp, do đó những dự báo về thị trường bất động sản Việt Nam có thể trở thành một ẩn số lớn.

Tuy nhiên, trong kịch bản lạc quan hơn khi Việt Nam có thể kiểm soát tốt tình hình và duy trì đà phát triển như quý I/2025, kết hợp với các chính sách điều hành của Chính phủ, cùng những thành quả kinh tế đạt được trong thời gian qua, ông Thắng cho rằng thị trường bất động sản vẫn có cơ hội tăng trưởng ổn định.

Dự báo nguồn cung bất động sản tại TP.HCM và các vùng phụ cận sẽ tiếp tục có những tín hiệu phục hồi tích cực. TP.HCM và Bình Dương sẽ dẫn dắt nguồn cung phân khúc căn hộ trong khi phân khúc đất nền và nhà phố/biệt thự duy trì vị trí chủ đạo ở các tỉnh thành giáp ranh TP.HCM.

Thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, căn hộ hạng C phục vụ nhu cầu ở thực của đại đa số người dân. Sức cầu thị trường duy trì hồi phục, trong đó phân khúc căn hộ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong những quý tiếp theo, đặc biệt là căn hộ có vị trí tại khu Đông TP.HCM và Bình Dương. Mặt bằng chung giá sơ cấp dự kiến tăng nhẹ trong quý tiếp theo, tiếp tục duy trì ở mức cao do chịu tác động của các yếu tố chi phí đầu vào.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Thắng cho rằng nguồn cung mới dự kiến tăng cao so với quý I/2025 nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2019-2020 trở về trước. Sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức trung bình và khó có sự đột biến trong ngắn hạn như bất động sản nhà ở.