Manh mối cho thấy những công ty này chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, hầu như không để lại dấu vết giấy tờ về hoạt động của mình. Họ được điều hành bởi các doanh nhân bí ẩn, với dấu vết trực tuyến mờ nhạt và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông. Điều này đang làm tăng thêm sự nghi ngờ về ai thực sự đứng sau việc sản xuất và phân phối các thiết bị nhắn tin này.
Trong suốt nhiều thập kỷ, Iran và các nhóm vũ trang được hậu thuẫn, như Hezbollah, đã tạo dựng một mạng lưới các công ty bình phong khắp Trung Đông và Địa Trung Hải nhằm thu thập tài chính và thiết bị, đồng thời lách qua các lệnh trừng phạt quốc tế. Để đối phó, Israel cũng xây dựng những mạng lưới ngầm của riêng mình, nhằm xâm nhập và phá vỡ chuỗi cung ứng của các tổ chức được Iran hỗ trợ.
Cuộc chiến ngầm giữa các mạng lưới đối địch này đang trở nên kịch tính hơn bao giờ hết, bức màn bí ẩn đang dần được phơi bày.
Thế lực ngầm nào đứng sau vụ phát nổ?
Trong ngày 17/9 và 18/9, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm ở Lebanon bất ngờ phát nổ, khiến hơn 40 người thiệt mạng, khoảng 3.500 người bị thương.
Thiết bị liên lạc nổ ở bất cứ nơi nào, dù là siêu thị, trên đường phố hay trong đám tang, khiến người dân Lebanon hoang mang. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các thiết bị liên lạc đó đã vào Lebanon bằng cách nào.
Chính phủ Hungary cho biết các thiết bị máy nhắn tin thương hiệu Gold Apollo gây ra các vụ nổ hàng loạt ở Lebanon chưa bao giờ xuất hiện ở quốc gia châu Âu. Trước đó, công ty máy nhắn tin Gold Apollo của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết mẫu máy nhắn tin được sử dụng trong cuộc tấn công chống lại Hezbollah là do BAC Consulting có trụ sở tại Budapest, Hungary.
Công ty này khẳng định, họ chỉ cấp phép thương hiệu của mình cho công ty BAC Consulting và không tham gia vào việc sản xuất thiết bị mà Hezbollah sử dụng.
Ngày 19/9, lực lượng an ninh quốc gia đã triệu tập 2 giám đốc điều hành từ Gold Apollo và BAC Consulting nhằm phục vụ công tác điều tra.
Văn phòng Công tố cũng cho hay, các nhà điều tra đã khám xét 4 địa điểm, trong đó có quận Xizhi, thành phố Tân Bắc, nơi đặt cơ sở của Gold Apollo, và quận Neihu ở Đài Bắc, nơi có trụ sở của Apollo Systems.
Sau khi xác minh điều tra, văn phòng công tố viên cho biết: "Không có bằng chứng cụ thể nào được tìm thấy cho thấy bất kỳ người Đài Loan nào có liên quan đến vụ đánh bom khủng bố”.
Người phát ngôn chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs cho biết: "Chính quyền Hungary đã xác định rằng công ty được BAC là một công ty trung gian thương mại, không có cơ sở sản xuất hoặc hoạt động nào khác ở Hungary".
Tại Hungary, BAC Consulting đã được đăng ký vào năm 2022 để thực hiện hàng chục hoạt động kinh doanh từ bán thiết bị viễn thông đến sản xuất trò chơi máy tính, với doanh thu khoảng 600.000 USD vào năm ngoái.
Ông Zoltan Kovacs thông tin thêm: "BAC có một người đứng đầu hoạt động tại Hungary theo địa chỉ được liệt kê và các thiết bị được đề cập chưa bao giờ xuất hiện ở Hungary".
Theo thông tin từ phía văn phòng công tố, Cristiana Barsony-Arcidiacono là nữ giám đốc điều hành duy nhất BAC Consulting tại Hungary. Sau vụ phát nổ, bà nhận nhiều lời đe dọa sau khi công ty của bà bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc trên. Bà Cristiana không xuất hiện trước công chúng sau vụ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ ở Lebanon hồi đầu tuần.
Apollo Systems được đăng ký vào tháng 4 năm nay với phạm vị hoạt động bao gồm buôn bán thiết bị viễn thông, tư vấn và dịch thuật. Địa chỉ của công ty được công bố nằm tại quận Neihu của Đài Bắc. Đây là một trong 4 địa điểm bị các điều tra viên khám xét, bao gồm cả văn phòng của Gold Apollo tại Tân Bắc.
Bà Cristiana, 49 tuổi, là doanh nhân người Italy, gốc Hungary Bà nói được 7 thứ tiếng và có bằng tiến sĩ vật lý. Bà sống trong một căn hộ ở Budapest.
Các cuộc thảo luận của truyền thông với người quen và đồng nghiệp cũ của bà Cristiana đã vẽ nên bức tranh về một người phụ nữ trí thức thường xuyên thay đổi công việc.
Ngoài ra, bà Cristina cho biết bà từng làm cho các tổ chức phi chính phủ ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Bà có bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học London, nhưng dường như bà không theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học này.
Mạng lưới liên quan ngày càng phức tạp
Cơ quan An ninh Quốc gia Bulgaria (SANS) ngày 19/9 thông báo mở cuộc điều tra sau khi truyền thông Hungary đưa tin Norta Global, công ty đăng ký trụ sở ở thủ đô Sofia của Bulgaria, đã nhập khẩu các máy nhắn tin và chuyển chúng cho Hezbollah.
Ngày 20/9, SANS cho biết công ty Norta Global và chủ sở hữu "không tiến hành bất kỳ giao dịch nào liên quan hoạt động mua bán các máy nhắn tin" hoặc "thuộc phạm vi các điều luật về tài trợ cho khủng bố".
Norta Global được công dân Na Uy Rinson Jose thành lập vào tháng 4/2022. Theo giới thiệu trên website đã ngừng hoạt động của hãng, Norta Global là "công ty công nghệ hàng đầu tập trung vào quản lý dự án công nghệ, phân phối, quảng bá và tích hợp công nghệ".
Công ty năm ngoái công bố mức doanh thu 650.000 euro (725.000 USD) nhờ hoạt động tư vấn bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Đại diện hãng cho biết Jose đi công tác nước ngoài từ hôm 17/9 và họ vẫn chưa thể liên lạc với ông ấy. Cảnh sát Oslo, Hungary thông báo đã mở cuộc điều tra sơ bộ về thông tin công dân nước này liên quan đến sự việc.
Giới chức Bulgaria nói công ty Norta Global của nước này không tham gia quá trình bán loạt máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon như thông tin trước đó.