Lebanon cấm mang máy nhắn tin lên máy bay sau loạt vụ nổ kinh hoàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lệnh hạn chế được đưa ra sau khi hàng nghìn thiết bị cầm tay đồng loạt phát nổ trên khắp cả nước.

Hành khách chờ đợi tại sân bay quốc tế Beirut Rafic Hariri ngày 25/8 (Ảnh: Getty)
Hành khách chờ đợi tại sân bay quốc tế Beirut Rafic Hariri ngày 25/8 (Ảnh: Getty)

Lebanon đã cấm mang theo máy nhắn tin và bộ đàm trên các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Beirut, Thông tấn xã Quốc gia Lebanon (NNA) đưa tin.

Biện pháp mới được ban hành sau khi ít nhất 37 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương khi các thiết bị cầm tay được các thành viên Hezbollah sử dụng phát nổ khắp Lebanon trong hai ngày 17 và 18/9. Các chiến binh của nhóm này đã đổ lỗi cho Israel về vụ việc.

“Sân bay quốc tế Beirut Rafic Hariri hôm 18/9 đã ban hành chỉ thị mới cấm hành khách mang theo máy nhắn tin và bộ đàm lên mọi chuyến”, NNA đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn tuyên bố của Faid El Hassan, người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Lebanon. Ông cho biết thêm, lệnh cấm áp dụng cho tất cả các loại hành lý và hàng hóa.

Hezbollah trước đây đã chọn sử dụng máy nhắn tin như một phương thức liên lạc công nghệ thấp và được cho là an toàn vì sợ tình báo Israel sẽ đột nhập vào điện thoại thông minh của họ và sử dụng chúng để giám sát.

Mặc dù Nhà nước Do Thái chưa xác nhận hay phủ nhận sự liên quan của mình trong vụ việc, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel chịu trách nhiệm về việc cài đặt chất nổ vào các thiết bị này.

Tờ New York Times dẫn các nguồn tin cho biết Mossad đã thành lập một công ty giả mạo ở Hungary để sản xuất các máy nhắn tin theo thỏa thuận cấp phép với một công ty Đài Loan (Trung Quốc).

Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah nói rằng vụ việc vừa qua không khác gì "lời tuyên chiến" và thề sẽ trả đũa. Trong khi đó, các quan chức Israel nhắc lại rằng họ quyết tâm ngăn chặn Hezbollah bắn tên lửa và đạn súng cối vào miền bắc Israel.

Liên Hợp Quốc đã lên án vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm là “không thể chấp nhận được”, đồng thời người đứng đầu nhân quyền của tổ chức này, Volker Turk, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ việc.