The Lancet: kháng thể sinh ra sau khi tiêm 2 liều Sinovac ít hơn 10 lần Pfizer

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông được công bố trên tạp chí The Lancet Microbe cho thấy mức độ kháng thể sinh ra sau khi tiêm hai liều vaccine Sinovac của Trung Quốc ít hơn 10 lần so với vaccine Pfizer.
Hiện nay có nhiều loại vaccine đang lưu hành với mức độ sinh kháng thể khác nhau (Ảnh: Hket).
Hiện nay có nhiều loại vaccine đang lưu hành với mức độ sinh kháng thể khác nhau (Ảnh: Hket).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) và RFI ngày 20/7, bài báo liên quan trên tạp chí y học danh tiếng The Lancet Microbe (The Lancet vi sinh vật) viết, ngày càng có nhiều quốc gia đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine bất hoạt của Trung Quốc. Một nghiên cứu được thực hiện trên hơn 1.000 bệnh nhân ở Hồng Kông cho thấy vaccine COVID-19 Sinovac do Sinovac Biotech phát triển tạo ra kháng thể ít hơn 10 lần so với vaccine do BioNTech và Pfizer sản xuất.

Đa Chiều cho rằng, trong những tháng gần đây, một số quốc gia sử dụng vaccine bất hoạt của Trung Quốc trên diện rộng đều đã xuất hiện ​​một làn sóng dịch bệnh lớn. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine bất hoạt của Trung Quốc có vẻ khả quan trong việc ngăn chặn sự xuất hiện của các ca bệnh nghiêm trọng.

Công trình nghiên cứu để so sánh hai loại vaccine này được Đại học Hồng Kông thực hiện với 1.442 người tham gia nghiên cứu, tất cả đều được tiêm hai liều vaccine.

Vaccine Sinovac của Trung Quốc sử dụng công nghệ virus bất hoạt (Ảnh: Deutsche Welle).

Vaccine Sinovac của Trung Quốc sử dụng công nghệ virus bất hoạt (Ảnh: Deutsche Welle).

Bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Microbe số ra ngày 15/7 đã chỉ ra rằng tuy số lượng kháng thể không đủ để đánh giá mức độ miễn dịch của vaccine, “nhưng chúng tôi trong khi nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nồng độ của các kháng thể có thể chế ngự được virus; sự chênh lệch có thể dẫn đến sự khác biệt đáng kể về hiệu quả của vaccine". Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng những người được tiêm vaccine Sinovac có mức kháng thể tương tự với những bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 đã được chữa khỏi.

Điều này càng chứng tỏ rằng so với công nghệ vaccine truyền thống như virus bất hoạt, vaccine truyền tin gen (mNRA) hiệu quả đặc biệt cao. Tuy nhiên, vaccine virus bất hoạt cũng có những ưu điểm: có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường, trong khi vaccine Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới âm 70 độ mới giữ được trong hơn 1 tháng. Yêu cầu bảo quản này khiến vaccine Pfizer khó được triển khai ở nhiều nước đang phát triển.

Trong những tháng gần đây, đã có một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng rất cao, nhưng các quốc gia này đã phải trải qua những đợt lây nhiễm rất nặng. Ví dụ như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Seychelles, Mông Cổ, Chile và Uruguay là các trường hợp điển hình. Vaccine được sử dụng ở các nước này chủ yếu là Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc. Cả hai loại vaccine này đều sử dụng công nghệ virus bất hoạt. Ở mọi quốc gia, người chết phần lớn là những người chưa được tiêm chủng, nhưng ở những quốc gia này, sự lây lan của virus dường như nhanh hơn so với các quốc gia như Israel, nơi được tiêm chủng rộng rãi bằng vaccine Pfizer công nghệ mRNA.

Vaccine Pfizer của Đức-Mỹ sử dụng công nghệ truyền gene mNRA (Ảnh: Đa Chiều).

Vaccine Pfizer của Đức-Mỹ sử dụng công nghệ truyền gene mNRA (Ảnh: Đa Chiều).

Vào ngày 15/7, Chile đã khuyến cáo các công dân của mình cần tiêm liều vaccine Sinovac thứ ba để tăng sức đề kháng với biến chủng Delta. Trước khi đưa ra khuyến cáo này, Chile đã tiến hành nghiên cứu của riêng mình, cho thấy 6 tháng sau khi tiêm vaccine Sinovac, khả năng miễn dịch đã giảm rất mạnh.

Ở Thái Lan, lựa chọn của Thái Lan là chọn Sinovac để tiêm mũi đầu tiên cho các nhân viên y tế; nhưng khi tiêm mũi thứ hai, họ chọn AstraZeneca. Đối với những người đã được tiêm đủ hai liều Sinovac, một liều "tăng cường" khác được tiêm, liều thứ ba này là AstraZeneca hoặc Pfizer.

Indonesia cũng đã áp dụng chiến lược tương tự. Indonesia hiện đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi biến chủng Delta. Các nhân viên y tế nước này sẽ tiêm vaccine Modena như một mũi tiêm nhắc lại.

Trong khi đó, hồi giữa tháng 6, Costa Rica đã đưa ra quyết định: ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu vaccine Sinovac vì không hiệu quả.

Reuters chỉ ra rằng vào đầu tuần này, Indonesia tuyên bố rằng hơn 350 nhân viên y tế đã bị nhiễm biến chủng Delta sau khi tiêm đủ liều vaccine Sinovac, điều này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của loại vaccine này.

Sãn xuất vaccine tại công ty Sinovac Biotech (Ảnh: Đa Chiều).

Sãn xuất vaccine tại công ty Sinovac Biotech (Ảnh: Đa Chiều).

Báo Pháp Le Monde cũng đăng bài của phóng viên Le Platt chỉ ra rằng, chính Trung Quốc cũng nghi ngờ về vaccine của họ. Mặc dù các nhà sản xuất vaccine và quan chức các cơ quan y tế đều lên tiếng bảo vệ vaccine của họ, nhưng Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tiêm thêm liều vaccine Pfizer thứ ba trước cuối năm nay. Vaccine Pfizer được phát triển bởi công ty BioNTech của Đức và sẽ được công ty Fosun Pharma ở Trung Quốc sản xuất, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được Bộ Y tế và Sức khỏe Trung Quốc phê duyệt. Tạp chí kinh doanh Caixin dẫn lời một nguồn tin thân cận với cơ quan quản lý nói rằng vaccine Pfizer Fosun sẽ được tiêm cho những người đã tiêm hai liều vaccine bất hoạt. Fosun có kế hoạch bắt đầu sản xuất từ cuối tháng 8 và nhà máy của họ ở Thượng Hải có thể sản xuất từ 100 đến 200 triệu liều mỗi tháng.

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), tờ South China Morning Post của Hồng Kông cũng đăng bài về nghiên cứu so sánh về kháng thể vaccine do Đại học Hồng Kông được chính quyền Hồng Kông ủy quyền thực hiện cho thấy so với những người được tiêm vaccine BioNTech/Pfizer có kháng thể cao hơn hẳn vaccine Sinovac.

Nhà dịch tễ học Benjamin Cowlingcủa Đại học Hồng Kông (Ảnh: thereview).

Nhà dịch tễ học Benjamin Cowlingcủa Đại học Hồng Kông (Ảnh: thereview).

Nhà dịch tễ học Đại học Hồng Kông Benjamin Cowling chỉ ra rằng mặc dù lượng kháng thể không thể phản ánh trực tiếp khả năng bảo vệ của vaccine đối với cơ thể người, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lượng kháng thể càng cao thì khả năng miễn dịch càng mạnh.

Báo này dẫn lời ông Benjamin Cowling nói rằng nghiên cứu cũng gợi ý những người đã được tiêm vaccine Sinovac có thể cần phải tiêm liều thứ ba.

Chính quyền Hồng Kông bắt đầu đặt mua 3 loại vaccine vào tháng 2 năm nay, với tổng số 22,5 triệu liều. Hiện nay dân chúng Hồng Kông chủ yếu tiêm vaccine BioNTech/Pfizer của Đức-Mỹ và Sinovac của Trung Quốc.

Không giống như nhiều nơi trên thế giới, người dân Hong Kong ít nhiệt tình với việc tiêm chủng, tờ South China Morning Post chỉ ra rằng người dân Hong Kong mới tiêm hơn 3 triệu liều vaccine, trong đó 1,7 triệu liều là vaccine BioNTech/Pfizer và 1,3 triệu liều là vaccine Sinovac.

Về kết quả của nghiên cứu này, báo cáo nghiên cứu đã đặt câu hỏi về kế hoạch của chính quyền Hồng Kông nhằm rút ngắn thời gian cách ly sau khi những người được tiêm chủng đến Hồng Kông.

Khi dịch bệnh ở Hồng Kông chậm lại, chính quyền Hồng Kông đang xem xét việc nới lỏng khả năng tiếp cận kinh doanh cho những người tiêm chủng từ các khu vực không có nguy cơ cao và miễn xét nghiệm cho họ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị rằng những du khách này nên trải qua các cuộc kiểm tra kháng thể. Benjamin Cowling cho biết ông tán thành tăng cường xét nghiệm kháng thể để rút ngắn thời gian cách ly.

Trước đó, Sinovac Biotech tuyên bố rằng công ty đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của mũi tiêm thứ ba và kết quả rất đáng khích lệ, nhưng công ty này vẫn khẳng định rằng hai liều vaccine của họ là có thể đủ để bảo vệ chống lại COVID-19.

Tiêm vaccine là cách duy nhất để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19 (Ảnh: Reuter).

Tiêm vaccine là cách duy nhất để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19 (Ảnh: Reuter).

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã nói vaccine Trung Quốc “có danh tiếng tốt trong cộng đồng quốc tế, tính an toàn và hiệu quả của chúng đã được công nhận rộng rãi”.

Ngoài ra, sau khi Trung Quốc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp vaccine trong nước cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 17, theo báo chí Trung Quốc, nhiều nơi bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ vị thành niên theo từng giai đoạn trong kỳ nghỉ hè. Trong đó, lứa tuổi từ 12 đến 17 là đối tượng ưu tiên. Tỉnh Hà Bắc thống nhất yêu cầu học sinh từ 12 đến 17 tuổi phải hoàn thành hai mũi tiêm chủng trong kỳ nghỉ hè, nhấn mạnh "Những học sinh chưa hoàn thành tiêm chủng sẽ bị từ chối nhập học".