|
LTS: Lâu nay, Nhà nước chi đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) trung bình khoảng trên dưới 1% ngân sách, tương đương khoảng chục nghìn tỷ mỗi năm. Khoản đầu tư này dù chưa lớn, nhưng nhiều năm không tiêu hết. Hậu quả là việc đầu tư cho KHCN không hiệu quả.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP (khoảng hơn 9 tỷ USD), trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% (khoảng hơn 3 tỷ USD) tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Vậy cơ chế đầu tư và cách thức đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả và sinh lời cho đất nước?
Từ thực tế đầu tư cho nghiên cứu KHCN hiện nay, VietTimes triển khai loạt bài "Hàng tỷ USD đầu tư cho khoa học công nghệ thế nào cho hiệu quả?" nhằm tìm câu trả lời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra, dành nguồn tiền thích đáng để đầu tư cho nghiên cứu KHCN, từ đó KHCN là “chìa khóa vàng” để phát triển thịnh vượng.
Bài 1: Bức tranh tối màu về đầu tư cho khoa học công nghệ
Bài 2: Cần đổi mới cách chi tiền cho nghiên cứu khoa học
Bài 3: Giải pháp tạo đột phá trong thanh quyết toán dự án nghiên cứu khoa học công nghệ
Bài 4: Đấu thầu công khai, cạnh tranh tài trợ khoa học để có sản phẩm KHCN có tính ứng dụng cao
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP; bố trí ít nhất 3% (khoảng hơn 3 tỷ USD) tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Tuy vậy, năm 2023, tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ chỉ đạt 0,82%, trong đó chi đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên là 0,58%.
Trao đổi với VietTimes về những con số thực tế trên, nhiều đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp đều cho rằng để giải ngân tiền ngân sách cho lĩnh vực KHCN là rất khó và thực tế triển khai cho thấy rất khó đạt mục tiêu đề ra.
Để giải quyết thực tế này, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra điểm nghẽn chủ yếu của KHCN Việt Nam là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư và chính sách sử dụng cán bộ KHCN. Giải quyết được các điểm nghẽn này sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN ở khối cơ quan Nhà nước và cả doanh nghiệp.
Trong đó, cơ chế tài chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chừng nào chưa đổi mới thực sự cơ chế tài chính cho KHCN để phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, chừng đó KHCN Việt Nam còn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay và sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu. Nghị quyết 57 đã tháo gỡ vấn đề này.
Ông Nguyễn Quân nhắc tới một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là các đề tài nghiên cứu được nghiệm thu xuất sắc nhưng không ứng dụng thực tiễn, không chuyển giao cho sản xuất kinh doanh. Đó là lý do khiến kết quả nghiên cứu mặc dù xuất sắc vẫn phải “nằm trong ngăn kéo” mà không thể chuyển thành sản phẩm cho xã hội.
Lý giải việc này với VietTimes, TS Nguyễn Quân cho rằng còn 2 vấn đề tồn tại về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước và định giá kết quả nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp.
TS Nguyễn Quân chỉ ra thực tiễn các nước phát triển có cơ chế mặc định coi kết quả nghiên cứu KHCN thuộc sở hữu của cơ quan khoa học chủ trì và các nhà khoa học, cho dù nguồn tài trợ là ngân sách Nhà nước. Khi được làm chủ sản phẩm nghiên cứu, nhà khoa học có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, xã hội để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Nguyên Bộ trưởng cũng cho rằng hiện vẫn có quan niệm cố hữu rằng, phải định giá tài sản Nhà nước khi chuyển giao khu vực ngoài Nhà nước và chuyển giao công nghệ để thu hồi đầu tư ngân sách Nhà nước. Đây là quan điểm không phù hợp với kinh tế thị trường. Ông Quân dẫn thực tế ở các nước khác, rằng nhà khoa học được mặc định giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu. Từ đó, họ có thể đem kết quả nghiên cứu chuyển giao, góp vốn cho doanh nghiệp hoặc tự thành lập doanh nghiệp.
Nhà nước thu hồi vốn đầu tư thông qua thuế từ doanh nghiệp nộp. Doanh nghiệp khi nhận được kết quả nghiên cứu và phát triển sản xuất sẽ đóng thuế cho Nhà nước gấp nhiều lần so với trước khi họ nhận được tài sản trí tuệ của người làm khoa học.
TS Nguyễn Quân bày tỏ quan điểm nếu gỡ được rào cản trong quy định về sở hữu trí tuệ và định giá kết quả nghiên cứu, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng có thể tự chủ tài chính, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Quân, ông Phan Văn Hiệp - giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ của Trường ĐH Văn Hiến, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS (Công ty ITS) hiến kế để nhà khoa học và tổ chức khoa học mạnh dạn “tiêu” số tiền ngân sách dành cho KHCN.
Theo ông Hiệp, để chi khoản tiền 9 tỷ USD hiệu quả, thực sự tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thì ngân sách chi cho KHCN bắt buộc thực hiện theo cơ chế của các quỹ, không thực hiện theo cách chi hiện nay theo kiểu dành cho các dự án xây dựng cơ bản.
“Đặc thù của nghiên cứu khoa học là không có định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, rõ ràng, lại ẩn chứa nhiều rủi ro, biến động trong quá trình thực hiện. Phải thực hiện cơ chế ‘tiền đợi dự án khoa học’ chứ không thể để ‘dự án khoa học đợi tiền’ như hiện nay”, ông Hiệp nói.
Nhìn nhận việc cùng lúc phải điều chỉnh, đồng bộ hóa một loạt các luật liên quan đến sử dụng ngân sách cho KHCN là rất khó khăn và mất thời gian, ông Hiệp cho rằng phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu về những quy định pháp luật trái với nội dung của Luật Khoa học – Công nghệ thì thực hiện theo Luật Khoa học – Công nghệ mới có thể để gỡ bỏ điểm nghẽn nghiêm trọng đối với ngành KHCN.
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đồng thời điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Hiệp chỉ ra nhiều điểm bất cập. Hiện nay đối với các cơ sở giáo dục đại học, có quy định trích 5% “nguồn thu hợp pháp” chi cho KHCN, tập trung chi cho R&D. Tuy nhiên, ông cho rằng chính sự mập mờ trong khái niệm “nguồn thu hợp pháp” đã khiến cho nhiều cơ sở giáo dục không thực hiện được quy định này hoặc né tránh việc thực hiện quy định.
Từ thực tế đó, ông Hiệp cho rằng cần giao quyền tự chủ triệt để trong xây dựng, phê duyệt kế hoạch kinh phí về cho các cơ quan chủ trì (viện, trường) trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đối với viện, trường công lập tự chủ về ngân sách, bỏ quy định trích 5% “nguồn thu hợp pháp” dành cho KHCN, để các cơ sở này toàn quyền quyết định các định mức chi cho KHCN.
Cùng với đó là việc xây dựng chính sách khoán kinh phí theo sản phẩm đầu ra. Việc này khuyến khích tổ chức khoa học nâng cao chất lượng nghiên cứu và trách nhiệm quản lý hiệu quả nguồn kinh phí được khoán. Và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt, nghiệm thu, giải ngân đối với dự án nghiên cứu để “giải phóng” các nhà khoa học khỏi những việc không đúng chuyên môn, giúp họ tập trung chuyên môn vào công tác nghiên cứu.
Theo ông Hiệp, tình trạng chung hiện nay là các nhà khoa học trong các viện, trường không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân. Rất ít các nhà khoa học dám dấn thân vào thực tiễn làm việc cùng cơ sở để nắm bắt nhu cầu thực tế.
Mối liên kết, hợp tác trong hoạt động nghiên cứu của các viện, trường hiện nay gần như không có, không phối hợp để tận dụng lợi thế riêng của từng viện, trường với nhau. Chúng ta cần cơ chế chính sách được luật hóa để tháo gỡ các điểm yếu cố hữu nêu trên mới giải quyết triệt để được bài toán hiệu quả của các đề tài, dự án nghiên cứu phục vụ cho KHCN của nước nhà.
Với kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tại trường đại học đồng thời làm quản lý tại doanh nghiệp KHCN, ông Hiệp cho rằng cần quy định cụ thể thời gian làm việc nghiên cứu tại doanh nghiệp của các nhà khoa học. Việc này giúp các nhà khoa học nắm bắt được những nhu cầu thực tế nhất của doanh nghiệp và nhận về những đơn đặt hàng nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa thành công cao.
Viettel, MISA, hai doanh nghiệp công nghệ đạt được nhiều bước tiến trong R&D sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam cho biết một trong những công thức tăng trưởng của họ chính là đầu tư mạnh cho R&D, tối ưu nguồn lực, tạo ra doanh thu và lợi nhuận gia tăng.
Đại diện Viettel cho biết khác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, Viettel triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển dưới dạng các dự án, thay vì thực hiện các đề tài nghiên cứu. Các viện nghiên cứu tại Viettel chính là các doanh nghiệp. Trong đó, người đứng đầu là các giám đốc dự án, thay vì các chủ nhiệm đề tài.
Các ý tưởng nghiên cứu khoa học đều được ủng hộ. Mỗi dự án có thời gian thực hiện cụ thể và đều cần đảm bảo mục tiêu hoàn vốn sau 3 năm và tiến tới có lợi nhuận. Người phụ trách các dự án không chỉ đơn thuần làm nghiên cứu khoa học, mà còn phải hiểu biết về thị trường. Trước yêu cầu rất cao về hiệu quả nghiên cứu, các chủ nhiệm đề tài, những người đứng đầu các dự án phải cân nhắc rất kỹ đề tài và đưa ra đề xuất.
Với những việc mới, lĩnh vực mới, Viettel tách nhỏ các đơn vị để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phản ứng nhanh và linh hoạt. Viettel cũng áp dụng nguyên tắc “chia nhỏ việc lớn” thúc đẩy các nhóm nhỏ chủ động sáng tạo không phụ thuộc, không làm thay, sáng tạo thay.
Viettel áp dụng quy trình “ăn - tiêu hoá - sáng tạo” với hàm ý để có thể sáng tạo đúng và các ý tưởng đưa được vào thực tế thì mỗi người Viettel phải học hỏi, có kiến thức nền tảng, đã vận dụng trong công việc, cuộc sống của chính mình.
Còn tại MISA, việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được thực hiện song song giữa hai mảng: Trong sản phẩm và trong công việc, với chiến lược và quy trình gồm các bước: Nghiên cứu; xây dựng bộ tiêu chuẩn; đánh giá và áp dụng, song hành với đó là quá trình truyền thông và đào tạo nội bộ liên tục.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ MISA nói với VietTimes rằng việc nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm tại MISA đã bắt đầu từ khoảng 7-8 năm trước.
Sau khi nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chuẩn về các công nghệ AI, Hội đồng thẩm định của MISA sẽ dựa trên yếu tố về việc công nghệ có thể áp dụng và mang lại giá trị thực tiễn cho người dùng như thế nào, từ đó đánh giá mức độ ứng dụng thực tiễn.
Nếu việc triển khai dự án mang lại giá trị lớn, có thể xử lý được đúng vấn đề bất cập trọng điểm của khách hàng thì dự án sẽ được xác định mức độ ưu tiên triển khai. Từ đó, ý tưởng khoa học được chuyển sang giai đoạn nghiên cứu.
MISA có bộ phận chuyên trách nghiên cứu sâu về AI, có đội làm sản phẩm, có những đội trung gian họ là người rất hiểu về dữ liệu của sản phẩm ấy. Công ty triển khai các phương án tuyển dụng và phát triển đội ngũ nhân sự trẻ từ các sinh viên xuất sắc thuộc các trường đại học hàng đầu. Đồng thời, các chuyên gia dữ liệu cũng được bổ sung để đảm bảo khả năng “dạy” và tối ưu hóa AI.
"Khi phát triển chatbot trợ lý ảo hướng dẫn, tư vấn bán hàng, đội ngũ nhân viên kinh doanh, vốn là những người hiểu rõ nhất về tri thức sản phẩm, sẽ đóng vai trò chuyên trách, tham gia chuẩn bị dữ liệu, dạy AI, kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng", ông Tùng nói với VietTimes.
Tương tự, khi xây dựng chatbot hỗ trợ khách hàng, đội ngũ chuyên trách dữ liệu chính là các nhân viên tư vấn hỗ trợ khách hàng, đảm bảo AI đáp ứng được nhu cầu thực tế.