"Đốt cháy giai đoạn" để kết quả nghiên cứu đưa vào sản xuất kinh doanh ngay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết trong tuần tới, Bộ sẽ xúc tiến hoạt động hợp tác để thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, giúp rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế.

Thương mại hoá các kết quả nghiên cứu đang là điểm nghẽn lớn kéo dài.
Thương mại hoá các kết quả nghiên cứu đang là điểm nghẽn lớn kéo dài.

Thông tin được Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, được tổ chức sáng 21/2.

Ông Bùi Thế Duy cho hay để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, yêu cầu đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững có chất lượng, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước trên 50%.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh tới cơ chế mới cho phép doanh nghiệp hạch toán các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo vào chi phí tính thuế. Trước đây, doanh nghiệp chỉ được trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế - con số rất nhỏ so với tổng doanh thu, hạn chế đáng kể nguồn lực đầu tư cho đổi mới công nghệ.

Với cơ chế mới, doanh nghiệp có thể gia tăng mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển lên gấp 10, thậm chí 20 lần so với trước đây. Đây được xem là cú hích quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới và nâng cao khả năng công nghệ trong giai đoạn này.

“Bộ Khoa học và Công nghệ đã có báo cáo trong đó phân tích rõ, đổi mới công nghệ đóng góp bao nhiêu phần trăm, đổi mới quản trị nâng cao hiệu suất thì đóng bao nhiêu phần trăm. Chúng tôi mong muốn từ đó các bộ ngành có thể xây dựng kế hoạch tăng trưởng dựa trên đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất chất lượng”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Một điểm đáng chú ý khác trong Nghị quyết 57 là việc cho phép các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện - trường được triển khai thương mại hóa ngay, mà không phải lập kế hoạch xin cấp trên.

Theo phân tích của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, với tháo gỡ này, ngay tuần tới Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo lãnh đạo đơn vị họp với đơn vị đã có kết quả nghiên cứu, sẵn sàng ký hợp đồng triển khai để doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh.

Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong tháng 5/2025, cũng như xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ, tạo đà phát triển bền vững trong năm 2026 và các năm tiếp theo.

Thương mại hoá các kết quả nghiên cứu là điểm nghẽn lớn kéo dài

Tại phiên họp của Quốc hội sáng 17/2, thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù gỡ vướng cho hoạt động Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (khi đó đang đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ TT&TT), đã đặt ra vấn đề về thương mại hoá các kết quả nghiên cứu.

Ông cho rằng đây là điểm nghẽn lớn kéo dài, là vấn đề cấp bách cần giải quyết để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57.

Theo Bộ trưởng, nghị quyết thí điểm việc cho phép người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hoá, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp. Đây là những chính sách rất mạnh mẽ về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả kết quả nghiên cứu từ những năm trước.

Về vấn đề đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN, Bộ trưởng cho biết, hiện chi cho nghiên cứu và phát triển mới chỉ đạt 0,5% GDP, bằng 1/4 so với mục tiêu 2% do Trung ương giao. Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp phải chiếm 70-80%, nhưng hiện nay mới chỉ đạt 1/6, tương ứng 20.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra các sản phẩm có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này rất cần những chính sách và cơ chế đột phá. Các cơ chế hiện hành đang giới hạn chi tiêu của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, chỉ ở mức 10% quỹ KH&CN, dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chi cho nghiên cứu và phát triển ít hơn các nước khác đến 10 lần.

Bộ trưởng cho rằng cần có các giải pháp để giải phóng mạnh mẽ hơn nữa quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, cũng như chính sách khấu trừ thuế cho các khoản chi. Nhà nước cần chung tay với doanh nghiệp để đầu tư cho khoa học và khuyến khích doanh nghiệp chi cho lĩnh vực này.