|
Bà Trần Uyên Phương - phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - trả lời báo chí |
Sáng 13-2, ông Nguyễn Tấn Hùng - chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương - làm trưởng đoàn liên ngành đã đến Công ty TNHH TM DV Tân Hiệp Phát (gọi tắt là Công ty Tân Hiệp Phát, Bình Dương) để công bố quyết định của giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc thanh tra đột xuất an toàn thực phẩm đối với công ty này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Hùng cho biết đoàn sẽ thanh tra ngay dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát.
Dù quyết định thanh tra nêu thời gian làm việc của đoàn là 30 ngày, nhưng đó chỉ là thời hạn tối đa, nếu không có vấn đề gì thì đoàn thanh tra có thể kết thúc thanh tra trước thời hạn.
Trả lời câu hỏi việc thanh tra được công bố trước trên báo chí liệu có xảy ra khả năng công ty sẽ có biện pháp “đối phó”, ông Nguyễn Tấn Hùng nói đây là cuộc thanh tra đột xuất đối với Công ty Tân Hiệp Phát, đoàn sẽ ghi nhận theo hiện trạng của doanh nghiệp.
Tại sao Sở Y tế tỉnh Bình Dương phải chờ ý kiến chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mà không chủ động thanh tra khi có nhiều người tiêu dùng phản ảnh về chất lượng sản phẩm mua của công ty?
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Tấn Hùng nói dù nhà máy của Tân Hiệp Phát đặt tại Bình Dương nhưng những vụ việc vừa rồi xuất hiện lẻ tẻ tại nhiều tỉnh trên cả nước. Cho nên khi có yêu cầu của cấp trên hoặc từ các cơ quan thụ lý vụ việc tại các tỉnh thì cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương mới có căn cứ để thanh tra đột xuất.
Ông Hùng còn cho biết trong năm 2014 có bốn cuộc kiểm tra, thanh tra tại Công ty Tân Hiệp Phát gồm: đoàn liên ngành của tỉnh Bình Dương, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, Sở Tài nguyên và môi trường...
Kết quả của các đoàn thanh tra, kiểm tra này hiện vẫn đang được tổng hợp. Các năm trước đó, Sở Y tế Bình Dương và các cơ quan liên quan cũng có các đợt thanh tra Tân Hiệp Phát nhưng “chưa phát hiện sai phạm nào nghiêm trọng”.
Trong một diễn biến khác, hôm qua bà Trần Uyên Phương - phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - đã trả lời nhiều nội dung được báo chí quan tâm.
Qua đó, bà Trần Uyên Phương tiếp tục khẳng định quy trình sản xuất trà đóng chai và nước tăng lực của Tân Hiệp Phát “hoàn toàn khép kín từ khâu thổi chai, chiết rót, đóng nắp, dán nhãn và đóng thùng nên không thể có vật lạ lọt vào sản phẩm”.
Nhưng việc sản phẩm hư hỏng do quá trình vận chuyển và lưu thông là có thể xảy ra.
Về việc một số người như anh Ðịnh, anh Minh ở Tiền Giang và chị Thu Hà ở tỉnh Ðồng Nai bị công an bắt khi đang nhận tiền của Tân Hiệp Phát, bà Phương nói: “Chúng tôi tôn trọng các khiếu nại chính đáng và không thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh. Khi phát hiện hoạt động tống tiền, chúng tôi sẽ ngay lập tức báo cho các cơ quan chức năng để giải quyết. Ðó là nguyên tắc đạo đức làm việc của chúng tôi”.
Trả lời cụ thể vào trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu Hà (TP Biên Hòa, Ðồng Nai) bị công an bắt khi công ty giao 49 triệu đồng nhưng sau đó lại được thả, bà Phương cho biết công ty mong muốn được giải quyết với bà Hà qua con đường của tòa án và sẽ tôn trọng các phán quyết của tòa.
Trao đổi với báo chí, bà Trần Uyên Phương nói Công ty Tân Hiệp Phát bị tống tiền rất nhiều, đồng thời cũng bị cạnh tranh không lành mạnh. Khi bị tống tiền, Tân Hiệp Phát phải cầu cứu đến các cơ quan chức năng để họ thực hiện tiến trình nghiệp vụ của pháp luật. Riêng về việc bị các đối thủ cạnh tranh phá hoại thì không thấy phía Tân Hiệp Phát đưa ra chứng cứ như đề nghị của báo chí.
Theo Tuổi trẻ