Nhiều sao trẻ tới chúc mừng Thanh Hằng ra mắt tiểu thuyết "Mẹ chồng" |
Cuốn sách do biên kịch Kim chấp bút thực hiện. Khi bộ phim điện ảnh “Mẹ chồng” ra mắt, vai diễn Ba Trân của Thanh Hằng đã khắc họa thành công và đầy ám ảnh về thân phận người phụ nữ ở chế độ phong kiến đặt nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhất là kiếp làm dâu.
Một lần nữa, “Mẹ chồng” từ phim điện ảnh được bước ra trang sách, Ba Trân của Thanh Hằng được đặc tả trở nên sâu cay, rõ nét hơn. Cuốn tiểu thuyết với văn phong đậm chất miền Tây Nam Bộ, lối kể chuyện chậm rãi, điềm tĩnh như đưa người đọc trở thành nhân chứng, chứng kiến từng biến cố của gia đình Hội đồng Lịnh; đồng thời cho người đọc thấy được sự thay đổi của nhân vật chính, người con gái tên Ba Trân xinh đẹp, ngoan hiền trở thành người con dâu luôn phải sống trong lo lắng, sợ hãi mẹ chồng; biến chuyển thành “Bà hội đồng” Ba Trân độc ác, mẹ chồng hà khắc và không kém phần độc đoán ở vùng đất Đại Điền.
Thanh Hằng - “Bà hội đồng” Ba Trân độc ác, mẹ chồng hà khắc và không kém phần độc đoán ra mắt tiểu thuyết "Mẹ chồng" |
Và lớp thế hệ làm dâu tiếp theo: Tư Thì, Tuyết Mai… tiếp tục theo lề lối truyền thống, ăn đời ở kiếp với người chồng chưa một lần gặp mặt, phụng sự cho nhà chồng, sinh con nối dõi và tìm cách thoát khỏi cuộc sống “nhìn mặt người khác”, người phụ nữ buộc phải tìm cách trở mình, thậm chí tàn nhẫn với bản thân, đánh đổi cả máu và nước mắt.
Buổi ra mắt ấn phẩm được Thanh Hằng chia sẻ rất nhiều về nỗi trăn trở và tháo gỡ những nút thắt trong lòng của chị khi hòa vào dòng chữ, từng biến cố cuộc đời của nhân vật Ba Trân trong “Mẹ chồng”.
Chỉ vọn vẹn 90 phút, phiên bản điện ảnh “Mẹ chồng” vẫn chưa khắc họa đủ đầy sự biến chuyển của nhân vật Ba Trân, vì thế, tiểu thuyết “Mẹ chồng” trở thành mảnh đất màu mỡ để tác giả Kim khai thác, làm rõ nét hơn được hình ảnh, bước ngoặc cuộc đời của người con gái ngoan hiền, yêu chồng từ trắng qua đen như thế nào.
Thanh Hằng giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM |
Thanh Hằng nói: “Người phụ nữ ở bất kỳ thế hệ, giai đoạn nào cũng đều có những khúc mắc, mắc kẹt trong cảm xúc, tinh thần, thân bất do kỷ mà mình buộc phải tàn nhẫn với bản thân. Vì lẽ đó, Hằng mong muốn thông qua tác phẩm này tất cả mọi người có thể thấu hiểu, cảm thông cho nhau, cùng nhau có một cuộc sống yên an”.
Ít ai biết rằng, khi Thanh Hằng quay bộ phim “Mẹ chồng”, chính nữ diễn viên cũng đang loay hoay trong câu chuyện cá nhân của mình nhưng nhờ vào hòa mình vào nhân vật, chiêm nghiệm cảm xúc và thấu hiểu nỗi lòng của từng người, từng điều xảy ra xung quanh mình nên mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Thanh Hằng đánh giá độ hot của tác phẩm trước đó cũng là một điểm cộng bảo chứng cho một tác phẩm mới |
Nói về cảm xúc và mong muốn với vai trò mới của mình - “Art creaton” khi bước chân vào lĩnh vực văn chương, Thanh Hằng cho biết: “Tôi thường đặt những áp lực về tên tuổi bản thân, độ hot, hay doanh số sang một bên mỗi khi thực hiện một dự án, một tác phẩm, hay một công việc nào đó. Tôi luôn tập trung hết sức vào những công việc mình làm, cầu thị học hỏi và trau chuốt cho những tác phẩm ấy tốt nhất có thể. Tất nhiên, đứng ở phương diện một nhà đầu tư, một người kinh doanh nghệ thuật, thì tôi cũng cần có một cái đầu lạnh để tính toán sao cho tác phẩm đạt được vị trí xứng đáng. Và chắc chắn, sau khi cố gắng hết sức và hoàn thành công việc rồi, thì cái tên và độ hot của tác phẩm trước đó cũng là một điểm cộng bảo chứng cho một tác phẩm mới, đó là uy tín”.