|
Vào ngày 5/10/2017, Vua Salman của Ả Rập Xê-út đã đến thăm Mátxcơva. |
Bằng cách duy trì quan hệ tốt đẹp với Ả Rập Xê-út và Iran trong giai đoạn căng thẳng song phương ở mức chưa từng có trong lịch sử hai nước, Mátxcơva cũng sẽ có thể tách biệt mình với Mỹ, nước bị các nước lớn trong cộng đồng Ả Rập coi là động lực gây chia rẽ, luôn tìm cách sử dụng sức mạnh bá quyền của mình ở Trung Đông bằng mọi giá.
Vào ngày 5/10/2017, Vua Salman của Ả Rập Xê-út đã đến thăm Mátxcơva. Chuyến viếng thăm của vua Salman đã được chào đón nồng nhiệt ở Nga vì đây là lần đầu tiên một nhà vua Ả Rập đến thăm Mátxcơva, giúp thể hiện trước cộng đồng quốc tế tầm ảnh hưởng đang ngày càng mạnh lên của Nga ở Trung Đông.
Những thỏa thuận giữa vua Riyadh với điện Kremlin trong chuyến đi bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế. Tổng thống Putin quyết định bán hệ thống phòng không S-400 cho Ả Rập Xê-út, hành động này được cho là một bình minh mới trong quan hệ song phương vốn căng thẳng kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria để ủng hộ chế độ Assad từ tháng 9/2015.
Như nhiều nhà báo và các nhà phân tích địa chính trị phương Tây phân tích chuyến thăm Nga của vua Salman tập trung chủ yếu vào các khía cạnh giao dịch của quan hệ đối tác song phương, như buôn bán vũ khí, hợp tác trong vấn đề giá dầu, ý nghĩa của việc cải thiện quan hệ đối với chiến lược lớn hơn của Nga ở Trung Đông đã bị xem nhẹ. Đây rõ ràng là một sự thiển cận, vì quan hệ hợp tác đang phát triển của Mátxcơva với Ả Rập Xê-út là biểu tượng cho sự thay đổi sâu sắc về hoạt động ngoại giao của Nga ở Trung Đông và các mục tiêu chiến lược ở khu vực quan trọng này.
Bản chất của việc thay đổi quan hệ giữa Nga với Ả Rập Xê-út có thể được lý giải một phần thông qua sự thay đổi trong việc Nga cam kết liên minh với Riyadh. Cho dù hai bên đã cố gắng phát triển quan hệ đối tác bền vững về kinh tế và quân sự kể từ năm 1980, nhưng quá trình đối thoại dẫn tới sự tan băng trong quan hệ Nga- Ả Rập Xê-út hiện nay rất khác so với quan hệ trước đây.
Kể từ khi kết thúc thời kỳ Xô Viết đến nay, những toan tính của Mátxcơva với Ả Rập Xê-út phần lớn đều thiếu các mục tiêu chiến lược lớn hơn. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách Nga tập trung vào các vấn đề mang tính chiến thuật, như tiếp cận với nguồn vốn đầu tư của Ả Rập, ký kết các hợp đồng vũ khí lợi nhuận cao với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và đảm bảo rằng quan hệ của Riyadh với các nhóm Hồi giáo cực đoan không đe doạ đến an ninh của Nga.
Sự tan băng gần đây nhất trong quan hệ giữa Nga và Ả Rập Xê-út khác với các mối quan hệ đối tác chiến thuật trong quá khứ vì ông Putin đã thiết lập một nền tảng ngoại giao lâu dài, hơn là các mối quan tâm vật chất trong ngắn hạn.
Bằng cách ngăn không tuyên bố về các thỏa thuận kinh tế lớn với Ả Rập Xê-út cho đến khi các thỏa thuận về việc giữ vững quyền lực của Assad với Syria và về hạn ngạch sản lượng dầu được thiết lập với Riyadh, ông Putin đã phá bỏ được nhận thức cố hữu trong đầu giới lãnh đạo Ả Rập về một nước Nga có thể dễ dàng lôi kéo bằng tiền bạc. Việc Nga sẵn sàng thể hiện cam kết hợp tác với Ả Rập Xê-út về lĩnh vực kinh tế và an ninh đã giúp cải thiện cảm giác về nước Nga kể từ sau khi Nga thông đồng với Iran ủng hộ Assad vào tháng 9/2015.
National Interest cho rằng việc xây dựng lòng tin thông qua hợp tác về ngoại giao đã khiến Nga và Ả Rập Xê-út không còn coi nhau là mối đe dọa an ninh nữa. Lòng tin mới này cũng được thể hiện bằng việc chính phủ Nga đáp trả phản ứng một cách dễ chịu khi vua Salman gặp gỡ riêng với Tổng thống Chechnya, Tatarstan và Ingushetia trong chuyến thăm Mátxcơva của ông. Vì Nga tự tin rằng Ả Rập Xê-út sẽ hòa giải quan điểm của các lãnh đạo miền bắc Caucasus với quan hệ với các phong trò cực đoan của dòng Sunni.
Tương tự, các nhà hoạch định chính sách Ả Rập Xê-út đã không coi quan hệ ngoại giao tăng cường giữa Nga với Yemen là mối đe dọa, vì Quốc vương Riyadh coi Nga giờ là bên thúc đẩy đối thoại giữa Ả Rập Xê-út và phe liên kết với Iran trong cuộc chiến ở Yemen. Sự thay đổi về mặt nhận thức cho thấy lãnh đạo của Nga và Ả Rập Xê-út đã coi sự tan băng trong quan hệ hai nước là sự bình thường hóa lâu dài chứ không phải là một cam kết tạm thời do những khó khăn về kinh tế hay là do mong muốn gỡ rối khỏi các cam kết quân sự lâu nay.
Theo đánh giá của National Interest, quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ả Rập Xê-út của ông Putin cũng cho thấy những thay đổi cơ bản trong chiến lược Trung Đông của Nga. Kể từ khi diễn ra Mùa xuân Ả Rập vào năm 2011, quan hệ đối tác chiến lược của Nga với Iran và cùng với Iran ủng hộ mạnh mẽ chế độ Assad ở Syria là hòn đá tảng trong chính sách Trung Đông của Nga. Kể cả sự hợp tác giữa Nga và Iran rất hiệu quả trong việc củng cố vị thế của Assad, nhưng giờ đây dường như các nhà hoạch định chính sách của Nga đang ngày càng nhất trí rằng quan hệ đối tác với Iran nếu muốn mở rộng ngoài vấn đề Syria vấp phải quá nhiều những căng thẳng trong nước.
Đánh giá này được thể hiện thông qua sự mâu thuẫn mạnh mẽ giữa việc Nga thúc đẩy ổn định ngoại giao ở Syria và sẵn sàng hợp tác với người Kurd ở Syria, với lập trường phản đối người Kurd cứng rắn của Iran và tiếp tục ủng hộ cho một giải pháp quân sự đối với cuộc nội chiến Syria.
Để đáp lại việc ngày càng bất đồng với Iran về vấn đề Syria, Mátxcơva đã điều chỉnh chiến lược Trung Đông bằng cách tăng cường tập trung gắn kết ngoại giao với các nước Ả Rập theo dòng Sunni. Hành động tái liên kết ngoại giao này nhằm đảm bảo rằng Nga sẽ không bị buộc phải rút lui khỏi các vấn đề Trung Đông khi các hoạt động quân sự ở Syria khép lại. Vì Ả Rập Xê-út là nước theo dòng Sunni quyền lực nhất nên Nga đã coi việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Riyadh là một phần không thể thiếu trong chiến lược Trung Đông mới.
Sự miêu tả lạc quan của chính phủ Nga đối với cuộc họp của ông Putin với vua Salman cho thấy Mátxcơva đã có một bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm sự công nhận lâu dài là một cường quốc ở Trung Đông. Theo giám đốc Trung tâm Carnegie Mátxcơva Dmitri Trenin trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây, việc Nga nối lại tình hữu nghị với Ả Rập Xê-út làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới liên minh Nga- Iran ở Syria, nhưng sẽ khiến Mátxcơva được coi như một bên trung lập ở Trung Đông.
Theo quan điểm của ông Trenin, việc nâng cao nhận thức về lập trường khách quan sẽ càng làm tăng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, giống như nỗ lực của Nga khi cân bằng giữa Ấn Độ và Pakistan đã củng cố vai trò địa chiến lược của Nga ở Nam Á.
Bằng cách duy trì quan hệ tốt đẹp với Ả Rập Xê-út và Iran trong giai đoạn căng thẳng song phương ở mức chưa từng có trong lịch sử hai nước, Mátxcơva cũng sẽ có thể tách biệt mình với Mỹ, nước bị các bên lớn trong cộng đồng Ả Rập coi là động lực gây chia rẽ, luôn tìm cách sử dụng sức mạnh bá quyền của mình ở Trung Đông bằng mọi giá. Bằng cách thể hiện rằng mình có thể duy trì quan hệ đối tác kinh tế và an ninh mang tính xây dựng với các nước Hồi giáo dòng Sunni, Nga tìm cách đảm bảo rằng những lợi ích về ngoại giao giành được từ sự can thiệp quân sự ở Syria sẽ không bị giảm đi khi nước này rút lui quân sự khỏi Syria.
Ngoài việc đảm bảo rằng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông sẽ kéo dài hơn những hành động can thiệp quân sự của nước này ở Syria, Nga còn tìm cách sử dụng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Ả-rập Xê-út để thúc đẩy an ninh tập thể ở Trung Đông. Trong cuộc phỏng vấn với ông Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, ông Kortunov cho rằng sự lựa chọn tốt nhất của Nga để có được động lực lâu dài ở Trung Đông là hỗ trợ thành lập một tổ chức an ninh tập thể phi chính thức của các nước Trung Đông.
Việc thành lập hệ thống an ninh tập thể sẽ sẽ là sự hợp tác ngoại giao theo vấn đề. Như giáo sư Trường kinh tế Dmitry Suslov lưu ý trong cuộc phỏng vấn gần đây, việc Nga bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út thể hiện rằng Nga có thể hợp tác với các nhân tố ở Trung Đông ở các lĩnh vực nào đó, ngay cả khi Nga đang có xung đột trực tiếp với những nước đó ở các lĩnh vực khác.
Vì quan hệ đối tác chiến lược ở Trung Đông thường có những lợi ích mâu thuẫn, nên tổ chức an ninh tập thể của Nga sẽ tập trung vào việc xác định các lĩnh vực hợp tác thay vì cố gắng gây áp lực lên các nước khác với lịch sử quan hệ căng thẳng trong các liên minh ngắn ngủi.
Bằng cách hạn chế yêu cầu của một tổ chức an ninh tập thể do Nga dẫn đầu nhằm củng cố quan hệ hợp tác dựa trên vấn đề, Nga muốn thể hiện mình là bên thống nhất các bên trong khu vực, hơn là một cường quốc bên ngoài có tham vọng bá quyền.
Nhiều nhà hoạch định chính sách Nga tin rằng khả năng Mátxcơva duy trì quan hệ ngoại giao thuận lợi với các nước ở cả hai phía dòng Sunni và Shia có thể là lời đảm bảo hiệu quả cho an ninh tập thể ở Trung Đông. Khi Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh đang tìm cách kiềm chế hiệu ứng tiêu cực của cuộc cạnh tranh ba bên giữa Ả Rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Việc Nga tiếp cận Ả Rập Xê-út có thể được coi như bước đi đầu tiên nhằm tái định hình trật tự an ninh khu vực.
Nhằm đảm bảo rằng Ả Rập Xê-út và các nước Trung Đông khác đang sẵn sang hợp tác với Nga trong việc duy trì an ninh tập thể ở Trung Đông, Nga đã cẩn thận nhấn mạnh rằng nước này không tìm cách thay thế Mỹ trong vai trò cường quốc ở Trung Đông. Điều này đối lập với cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không” của Nga đối với không gian hậu Xô Viết.
Việc Nga sẵn sang bán cho Ả Rập Xê-út những vũ khí hiện đại, dù cho Riyadh đã ký thỏa thuận mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Mỹ trị giá 15 tỷ USD, cho thấy Nga đang tìm cách bổ sung vào các sang kiến an ninh của Mỹ ở Trung Đông chứ không phải là tìm cách thay thế chúng.
Mặc dù sự bền vững của quan hệ đối tác mới giữa Nga với Ả Rập Xê-út vẫn còn chưa rõ ràng vì lịch sử nghi ngờ lâu dài giữa hai nước, nhưng rõ ràng là cách tiếp cận ngoại giao mới của Nga với Ả Rập Xê-út là nhằm mục đích tạo ra một mối quan hệ bền vững hơn các nỗ lực trong quá khứ.
Nếu quan hệ giữa Nga và Ả Rập Xê-út tiếp tục được cải thiện trong những tháng tới, mục tiêu tăng cường sự liên kết với các quốc gia Sunni của Mátxcơva sẽ dễ đạt được hơn, và Nga sẽ củng cố được vai trò của mình như một bên đảm bảo an ninh tập thể không thể thiếu được ở Trung Đông.