|
Chiếc máy bay Nga được thiết kế để sở hữu những chiêu thức độc đáo về thuật bay siêu cấp trên không. Chỉ riêng Su-35 có thể thực hiện động tác "xoắn ốc mặt phẳng", mà cho đến nay đối với đa số các máy bay khác vẫn coi là chế độ bay “tử thần”.
Trong tầm khả năng của "Sukhoi" còn có cả thuật lái nổi tiếng "rắn hổ mang Pugachev" (máy bay lấy độ cao liên tục, rồi vào khoảnh khắc nào đó, chiếc tiêm kích "treo" bất động giữa không trung dường như đuôi máy bay gắn vào cái móc vô hình trên bầu trời, và sau đó bắt đầu chúc mũi xuống, rồi một lần nữa chuyển sang bay ngang).
Trong cận chiến, kỹ năng này cho phép không chỉ thoát ra khỏi cuộc tấn công, mà còn chớp nhoáng lật ngược tình thế, chuyển sang giáng đòn tấn công vào kẻ thù đang đeo bám. Bay với tốc độ nhanh ở độ cao lớn, từ đòn tấn công tiềm ẩn vào đuôi, Su-35 có thể thoát ly vị trí và đột ngột quay nhờ "thế võ hiểm" chuyển sang chế độ nhào lộn, ngóc đầu lên lộn vòng 360 độ rồi trở lại vị trí ban đầu. Sở dĩ máy bay đạt được khả năng siêu cơ động không thể tưởng tượng nổi là nhờ hệ thống điều khiển vec-tơ lực đẩy động cơ.
Yếu tố này cũng giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách chạy lấy đà xuất phát khi cất cánh. Su-35 được bảo vệ khỏi các đòn tấn công bởi hệ thống điện tử áp đảo "Khibiny" cũng như radar với mảng anten điều khiển pha quét điện tử thụ động, đồng thời nó là cỗ máy có khả năng tấn công mạnh và thiết bị gây nhiễu tuyệt vời, gia tăng phạm vi phát hiện mục tiêu và "làm mù" radar chủ động của đối thủ ngay cả trong điều kiện gây nhiễu ráo riết.
Su-35 có hệ thống radar tìm kiếm và theo dõi mục tiêu mạnh là trở ngại hữu hình cho máy bay chiến đấu phương Tây, các trang bị tổ hợp trinh sát quang-hồng ngoại rất hiệu quả trong trinh sát khiến chiếc tiêm kích Nga có thể phát hiện máy bay khác từ xa. Thực tế đã cho thấy: "mắt thần" của Su-35 phát hiện đối tượng mục tiêu với khoảng cách đến 400 km. Trong khi đó, F-18 của Mỹ "nhìn thấy" trên cự ly 200 km, và Rafale của Pháp còn kém hơn, chỉ có thể phát hiện đối phương trong tầm 150 km.
Su-35- không chỉ nhanh nhẹn. Chiến đấu cơ rất bền vững: tất cả các cấu trúc chịu lực đều bằng titan. Một chi tiết gây ấn tượng nữa là tầm xa của chuyến bay: chiếc tiêm kích Nga thừa sức bay suốt 3.600 km mà không cần tiếp nhiên liệu. (Nghĩa là, chiếc máy bay có thể dễ dàng bay qua toàn bộ chiều dài của đất nước Việt Nam từ bắc chí nam dọc theo bờ biển (3.260km) và hoàn thành chuyến bay không phải là với bình xăng khô cạn). Để so sánh, ở F-18 chỉ số này là 2.700 km, còn Rafale — chỉ đạt 2.000 km.
Sukhoi-35 có khả năng tấn công rất mạnh. Chỉ riêng tên lửa "không-đối-không" của Su-35 có đến ba loại "dành cho mọi trường hợp". Trên máy bay lắp đặt pháo phòng không 30 mm bắn nhanh với 150 viên đạn. Những giá treo vũ khí trên thân có thể mang theo tên lửa chống tàu, bom có độ chính xác cao và tên lửa "không-đối - mặt" có điều khiển hoặc thông thường. Su-35 có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ của tiêm kích chiếm ưu thế trên không, đánh chăn tầm xa và máy bay ném bom mang tên lửa.
Máy bay tiêm kích "Sukhoi" mới nhất đã tham gia phục vụ bảo vệ vùng trời Viễn Đông của Nga. Trong năm nay, những chiếc máy bay này sẽ có mặt trong biên chế trang bị của Quân khu phía Tây Nga.
Mẫu máy bay mới của Nga thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng nước ngoài. Không chỉ riêng Trung Quốc ký hợp đồng mua 24 chiếc, Indonesia cũng quyết định rằng Su-35 là ứng viên sáng giá cần mua thay thế cho 16 chiếc F-5 Tiger của Mỹ đã lỗi thời. Hơn thế nữa, các phi công Indonesia đã quen với Su-27 và Su-30. Thể hiện ý định mua những chiến đấu cơ thế hệ 4++ của Nga còn có những nước khác như Việt Nam, Pakistan và Algeria.
Những thuật bay siêu cơ động của Su-35
Theo Sputnik