|
Một quân nhân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngắm chiếc tàu chở trực thăng Izumo trước khi hạ thủy ở Yokohama, 06/08/2013. Ảnh REUTERS/Toru Hanai |
Dưới bức ảnh một con tàu chở trực thăng "Izumo", đồ sộ như một chiếc tàu sân bay vừa được bàn giao cho Hải quân Nhật hôm 25/3 vừa qua, bài viết của đặc phái viên Le Monde tại Yokusuka có tựa đề "Nhật Bản hiện đại hóa lực lượng hải chiến".
Le Monde cho biết Izumo là chiến hạm quân sự lớn nhất của Nhật kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ 2 và là biểu tượng cho phản ứng của nước này trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo mô tả của tác giả bài viết, vừa được mời tham quan chiến hạm này, Izumo là một chiến hạm chở trực thăng được thiết kế với chức năng săn tìm tàu ngầm. Tàu có trọng lượng 19.500 tấn, dài 248 mét được trang bị đầy đủ các thiết bị, vũ khí tối tân nhất hiện nay.
Về mặt chính thức Izumo chỉ có nhiệm vụ phòng thủ gần của Nhật, góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực và cứu hộ. Nhưng rõ ràng chiến hạm đồ sộ này có những khả năng hoạt động như một tàu sân bay có đủ khả năng tác chiến xa.
Le Monde cho biết, với biên chế 1.000 quân, Izumo trong tương lai có thể gia nhập vào một nhóm tác chiến của Mỹ hoặc ở trong khu vực.
Điều này nằm trong chủ trương của chính phủ Shinzo Abe đang muốn sửa lại nội dung bản Hiến pháp chủ hòa cho phép mở rộng trường hoạt động của "lực lượng phòng vệ" (tên gọi quân đội Nhật hiện nay) để Nhật có thể tham gia các hoạt động quân sự cùng đồng minh trong trường hợp "tự vệ tập thể chính đáng"
Xa hơn nữa điều này giúp Tokyo ký các thỏa thuận quốc phòng với các nước đồng minh trong khu vực hoặc tham gia tích cực vào các chiến dịch quân sự của Liên Hiệp Quốc.
Tại sao Nhật Bản giờ đây lại nuôi tham vọng quân sự ?
Theo Le Monde, đất nước này vẫn cảm thấy bị đe dọa vây quanh.
Một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nhật từng nhấn mạnh: "Nhật bị bao quanh bởi ba cường quốc quân sự và hạt nhân lớn nhất là Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên". Nhưng Trung Quốc là mối đe dọa đầu tiên.
Tác giả bài viết nhận thấy, Tokyo đặc biệt lưu tâm đến các tranh chấp lãnh thổ có từ bao đời nay với nước này và cho rằng Bắc Kinh đe dọa tuyến đường hàng hải và sẽ có ngày lấn chiếm hết các đảo đang tranh chấp ở vùng biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông để đặt các căn cứ quân sự của họ.
Năm 2013 Nhật ghi nhận không quân Nhật đã 415 lần xuất kích vì các vụ máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận Nhật và 359 lần đối với các máy bay Nga.
Trong bối cảnh như vậy, Tokyo muốn tỏ ra với Hoa Kỳ và các nước trong vùng thấy Nhật là một đồng minh hoàn thiện, quân đội của họ cần phải được tôi luyện kinh nghiệm chiến đấu hơn.
Không quân Nhật vừa đặt thêm 42 máy bay chiến đấu F35. Lục quân được tăng cường thêm các đơn vị đổ bộ và dự định trong vòng ba năm tới sẽ thành lập các đơn vị thường trực bảo vệ bờ biển rộng khắp.
Ưu tiên được dành cho hải quân. Lực lượng này của Nhật hiện có 124 chiến hạm. Dự kiến từ nay đến năm 2025, hạm đội tàu ngầm sẽ tăng từ 12 lên 22 chiếc.
Một lý do khác, khiến Nhật Bản muốn có một đội quân tự chủ hơn, mặc dù quần đảo này vẫn được Mỹ bảo vệ vững vàng. Nhưng ở Nhật, người ta nghi ngại về sự bảo đảm của người Mỹ.
Trong việc Tổng thống Barack Obama quay ngoắt không tấn công các cơ sở vũ khí hóa học của Syria cách đây không lâu, cũng khiến cho Tokyo phải đặt câu hỏi: Liệu Nhật sẽ có được Mỹ che chở trong trường hợp bị Bắc Triều Tiên tấn công hóa học?
Còn với Trung Quốc, Le Monde dẫn một báo cáo gần đây do Bộ Ngoại giao chỉ đạo thực hiện, các chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định nếu Hoa Kỳ xóa bỏ cam kết với khu vực châu Á, trong vòng hai chục năm Trung Quốc sẽ thống trị vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Trong giả thiết như vậy, Hàn Quốc sẽ có thể xích lại với Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ bị cô lập.
Le Monde cũng nhận thấy, nhiều người Nhật lo ngại về tham vọng bá quyền của Trung Quốc, nhưng không phải tất cả đều ủng hộ sự thay đổi chính sách quốc phòng hiện nay vì điều này có thể sẽ cuốn quần đảo này vào những cuộc xung đột trên thế giới.
Theo: BizLive