|
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. |
Lộ rõ sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 chỉ là “đòn hỏa mù”
Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia trên thế giới cho rằng hành động đó của Bắc Kinh chỉ là để tung “hỏa mù” nhằm đánh lạc hướng dư luận và che đậy một hoạt động khác nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Đó là, Trung Quốc ráo riết chuyên chở nguyên vật liệu để tôn tạo và xây cất các công trình hạ tầng cơ sở trên các đảo do họ sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép của Việt Nam năm 1974 ở quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 ở quần đảo Trường Sa. Với tiêu đề "Nền ngoại giao máy xúc của Trung Quốc", báo “Deutsche Welle” (Đức) đăng bài viết khẳng định rằng, kể từ giữa năm 2014, nghĩa là trùng với thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh mở đầu một chiến dịch quy mô lớn để tôn tạo và xây dựng hạ tầng cơ sở ở đảo đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc phía Tây quần đảo Trường Sa.
Báo "Der Bund” của Thụy Sĩ dẫn các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, từ nhiều tháng nay Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm gia cố các vị trí mà họ chiếm được ở biển Đông như xây cất trên 3 đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa.
Một đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. |
Công khai tuyên bố tham vọng độc chiếm biển Đông
Kể từ năm 2009, khi trình lên Liên hợp quốc yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò 9 đoạn” bao gồm một khu vực chiếm trên 80% diện tích biển Đông, Trung Quốc từng bước thực hiện nhiều biện pháp để độc chiếm biển Đông. Trong đó đáng chú ý nhất là họ ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng các quy định của luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 (DOC), cản trở quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và tiếp tục có nhiều hành động gây mất ổn định, đe dọa an ninh và hòa bình trên biển Đông, xây dựng và củng cố các căn cứ quân sự mạnh ở quần đảo Hoàng Sa chiếm giữ của Việt Nam năm 1974 và ở Tam Á (đảo Hải Nam của Trung Quốc).
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry ngày 16/5/2015 trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang có cuộc khẩu chiến gay gắt về vấn đề Biển Đông, trong đó Mỹ công khai thách thức hành động xây dựng bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông, người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị, khẳng định rằng Bắc Kinh “sẽ không lay chuyển” trong vấn đề “bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa”.
Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn bày tỏ thái độ cứng rắn hơn với tuyên bố: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Như vậy, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không thuyết phục được Trung Quốc thay đổi lập trường đối với vấn đề biển Đông để chấm dứt hành động bồi đắp, mở rộng đảo ở khu vực này.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 9/4/2015, người phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh. Bà Hoa Xuân Oánh còn khẳng định hoạt động xây dựng của Trung Quốc đang diễn ra ở Trường Sa là “hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật” và “không chỉ nhằm mục đích dân sự mà còn tăng cường khả năng quốc phòng”.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc chính thức công bố về các hoạt động tôn tạo và xây cất trên Biển Đông còn nhằm mục đích quân sự. Trước đó, hồi tháng 9/2014 và tháng 11/2014, khi phóng viên hỏi liệu rằng hành động cải tạo bồi đắp quy mô lớn trên biển Đông là nhằm phục vụ mục đích quân sự hay thương mại, người phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, hoạt động xây dựng của Trung Quốc đang diễn ra trên các hòn đảo “chỉ nhằm mục đích thương mại, dân sự”.
Như vậy, những động thái quyết liệt của Trung Quốc trên biển Đông cho thấy Bắc Kinh không còn cần giấu giếm, che đậy tham vọng của họ.
Phản ứng của Mỹ
Tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông là thách thức lớn nhất đối với chiến lược “xoay trục” của Mỹ tới châu Á, còn về lâu dài là nhằm làm phá sản chủ trương của Mỹ biến “Thế kỷ Châu Á-Thái Bình Dương” thành “Thế kỷ Mỹ”. Vì thế, Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích hành động này của Trung Quốc là “dùng cơ bắp, sức mạnh thuần túy để bắt nước khác phục tùng mình”.
Theo Cựu Đô đốc Michael McDevitt và là chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ phận nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm phân tích hải quân của Mỹ, Washington tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trên cơ sở khẳng định rõ ràng quan điểm về cách giải quyết xung đột theo hướng đối thoại, hòa bình.
Đồng thời, Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh các nỗ lực nhằm “tái cân bằng” sức mạnh giữa một bên là các quốc gia ASEAN như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei với bên kia là Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á nói chung và trên biển Đông nói riêng.
Để thể hiện điều đó, Lầu Năm Góc đã bổ sung thêm 4 tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của Mỹ đang đóng tại Singapore, tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng EDCA (Enhanced Defense Cooperation Agreement) giữa Washington và Manila.
Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở vịnh Subic. EDCA cũng bao gồm điều khoản quy định sự hỗ trợ của Mỹ đối với kế hoạch hiện đại hóa Lực lượng không quân Philippines nhằm triển khai một lực lượng phòng thủ có đủ năng lực.
Thỏa thuận triển khai quân của Mỹ với Singapore và Philippines mở đường cho sự hiện diện thường trực của Mỹ tại Đông Nam Á, trước hết là hợp tác với các nước ven Biển Đông, không chỉ thể hiện tầm ảnh hưởng mà còn giúp trấn an các đối tác bè bạn và các đồng minh trong khu vực rằng Mỹ không bao giờ cho phép Trung Quốc "tự tung tự tác" ở khu vực này.
Theo: Công an Nhân dân