Ngày 1/4, Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã thông qua đề xuất dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật, do quân đội nước này tuyên bố áp dụng trên cả nước từ ngày 20/5/2014, hai ngày trước khi tiến hành đảo chính (22/5/2014), lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Áp lực dư luận và thúc đẩy du lịch
Thủ tướng Thái Lan hiện nay Prayuth Chan-ocha đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ nước ngoài, các tổ chức nhân quyền và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan để dỡ bỏ thiết quân luật. Trong đó, việc duy trì quân đội phụ trách an ninh công cộng trên toàn quốc bị chỉ trích là một rào cản đối với khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty bảo hiểm nước ngoài thường không có chính sách hỗ trợ người du lịch khi tới những quốc gia đang áp đặt tình trạng thiết quân luật do lo ngại về an toàn. Đặc biệt, khi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) gần đây cảnh báo về sự thiếu an toàn của hàng không Thái Lan thì việc dỡ bỏ thiết quân luật là cần thiết để tạo “cú hích mới” cho du lịch nước này.
Ông Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho rằng, việc dỡ bỏ thiết quân luật là một tín hiệu tích cực vì nó sẽ giúp xóa bỏ sự lo ngại của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài và kêu gọi tăng cường đầu tư.
Ittirit Kinglake, chủ tịch của Hội đồng Du lịch Thái Lan, cho biết khách du lịch - đặc biệt là từ các nước phương Tây - sẽ không còn lo lắng về việc đi du lịch tới nước này, khi chính phủ đã dỡ bỏ quân luật.
Ngành du lịch chiếm khoảng 10% GDP và được coi là một trong những hỗ trợ chính cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay khi xuất khẩu chậm chạp, tiêu dùng trong nước và nguồn vốn đầu tư vẫn thấp. Dự đoán tăng trưởng GDP năm 2015 của Thái Lan là 4,0%, so với mức 0,7% trong năm 2014.
“Bình cũ rượu mới”
Tuy nhiên, trong cùng ngày 1/4, Thủ tướng Prayuth, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ trật tự Quốc gia (NCPO) đã công bố Lệnh số 3 gồm 14 điều nhằm bảo vệ trật tự và an ninh quốc gia, được coi là một biện pháp an ninh khắc nghiệt hơn.
Điều luật mới cho phép các lãnh đạo của Hội đồng này ban hành các sắc lệnh, chỉ đạo các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp vì lý do an ninh và lợi ích của quốc gia. Một số nội dung đáng chú ý như việc các nhà chức trách (cấp cao) có quyền ra lệnh lục soát, bắt giam và tạm giam không quá 7 ngày những đối tượng nghi vấn nếu thấy có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cũng như một số vấn đề khác.
Nếu chống đối, các đối tượng có thể đối mặt hình phạt tối đa là 1 năm tù và 20.000 bạt (khoảng 13 triệu đồng). Lệnh cũng quy định cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên, trừ trường hợp được phép. Khung hình phạt cho đối tượng vi phạm cao nhất là 6 tháng tù và phạt 10.000 bạt. Lệnh cũng cho phép các nhà chức trách (cấp cao) có quyền cấm báo chí xuất bản nếu xét thấy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Lệnh của Chủ tịch NCPO Prayuth Chan-ocha dựa theo điều 44 của Hiến pháp tạm thời Thái Lan, trong đó trao toàn quyền cho Chủ tịch NCPO thực hiện các hoạt động mang tính lập pháp, hành pháp hay tư pháp để trấn áp các hoạt động phá hoại việc cải cách hay an ninh quốc gia. Tùy theo đánh giá, Chủ tịch NCPO có thể tiếp tục ra các lệnh khác để kịp thời đối phó với tình hình. cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự toàn quyền hành động nhân danh an ninh quốc gia. Trong tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, Thủ Tướng Chan-ocha có quyền áp đặt bằng sắc lệnh, không cần thông qua quốc hội. Như vậy về cơ bản, chính quyền Thái Lan vẫn được phép sử dụng các quyền hành tương tự như thời kỳ thiết quân luật.
Củng cố quyền lực chính quyền quân đội
Cuộc đảo chính của quân đội năm 2014 đã đánh dấu một chương mới trong cuộc xung đột chính trị lớn giữa một bên là tầng lớp trung lưu ở Bangkok và phe bảo hoàng - được hậu thuẫn một phần bởi quân đội và bộ máy tư pháp - với một bên là những người lao động ở thành thị và nông dân phía Bắc Thái Lan ủng hộ gia đình Shinawatra.
Và động thái áp dụng Điều 44 Hiến pháp giúp củng cố quyền lực của chính quyền quân đội và đẩy mạnh loại bỏ các ảnh hưởng chính trị của nhà Shinawatra. Bà Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan hiện đang phải đối mặt với tội danh dân gây thất thoát gần 20 tỷ USD trong Chương trình thu mua và trợ giá gạo. Nếu bị kết tội, bà có thể phải nhận án tù tối đa 10 năm và án phạt hơn 6.000 USD.
Cũng trong bối cảnh quyền lực hoàng gia đang giảm sút khi vua Bhumibol Adulyadej đã tuổi cao sức yếu (hiện đã 88 tuổi) với nhiều khả năng xảy ra tranh chấp về quyền kế vị thì quân đội đang tìm kiếm sức mạnh vượt trội để có thể trở thành thế lực chủ đạo nắm giữ và ảnh hưởng chính trường Thái Lan.
Thế giới lo ngại
Mỹ, đồng minh lớn của Thái Lan, hoan nghênh việc Bangkok gỡ bỏ thiết quân luật, nhưng bày tỏ lo ngại về việc áp dụng điều 44 của Hiến pháp tạm thời. Washington cho rằng, cách làm này sẽ không đáp ứng được sự cần thiết phải đảm bảo tự do diễn đạt và các cuộc tụ tập hòa bình.
Nhiều nhà phê bình cho rằng điều lệnh mới giống như những quy định hà khắc của luật pháp Thái Lan năm 1959, đã mang đến cho các nhà lãnh đạo quân sự quyền hạn rộng lớn để bắt bớ và truy tố phe đối lập. Sathit Pitutecha, Phó thư ký Đảng Dân chủ, cảnh báo NCPO rằng trật tự mới "sẽ phá hủy lòng tin của cả cộng đồng trong nước và nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng quốc tế, những người sẽ chỉ thấy Thái Lan như một chế độ độc tài."
Chính quyền Thái Lan giải thích cần phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để duy trì ổn định sau nhiều năm chính biến và biểu tình. Thủ tướng Prayuth nói với phóng viên rằng ông sẽ sử dụng Điều 44 "mang tính xây dựng" để giải quyết các vấn đề an ninh.
Thủ tướng Prayuth cũng đã khẳng định đất nước Thái Lan cần thêm ít nhất 10 năm để giải quyết các vấn đề chính trị khó khăn. Cùng với tuyên bố trước đó của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan, "Chúng tôi có thể sẽ tổ chức bầu cử (được cho là diễn ra vào cuối 2015) vào khoảng đầu năm 2016, một khi hiến pháp được soạn thảo" thì điểm đến của nền dân chủ Thái Lan vẫn là một câu hỏi.
Theo: Tổ Quốc