Theo thông tin mới tiết lộ, tầm bắn của tên lửa hợp liên doanh này hiện có thể được tăng lên vì Ấn Độ đã tham gia Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa, giúp nước này có cơ hội hợp tác với nước ngoài về công nghệ tên lửa.
Hai nước đạt được hiệp định vào ngày 26/10 trong cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự do Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đồng chủ trì.
Tầm bắn của tên lửa BrahMos sẽ được tăng phạm vi lên đến 600km cho những bệ phóng của tên lửa hành trình này. Hiện nay, BrahMos đã có hai phiên bản phóng trên bộ và phóng từ tàu chiến, còn phiên bản phóng trên không vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ được chấp thuận vào cuối năm nay.
“Với tầm bắn 300km, tên lửa BrahMos trước đây phải được triển khai gần khu vực mục tiêu. Giờ đây, tính linh hoạt của tên lửa này về khu vực triển khai đã được tăng lên đáng kể nhằm nâng cao tính bất ngờ”, ông Rahul Bhonsle, chuẩn tướng lục quân Ấn Độ đã về hưu, đồng thời là chuyên gia phân tích quân sự nhận định.
Dự án tên lửa hành trình BrahMos do công ty BrahMos Aerospace xúc tiến. Công ty này được thành lập năm 1998 và là công ty liên doanh giữa Tổ chức nghiên cứu & phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và công ty NPO Mashinostroyenia của Nga.
Theo các nhà khoa học tại DRDO, việc nâng cấp tầm bắn “chỉ cần những thay đổi rất nhỏ trong phần mềm và phần cứng của tên lửa”. Nhận định này cũng được một sĩ quan hải quân Ấn Độ ủng hộ. “BrahMos là phiên bản thiết kế lại của tên lửa chống tàu P-800 Oniks/Yakhont của Nga và không cần phải cải tiến nhiều để tên lửa này đạt tầm bắn 600km”.
Ông Bhonsle cho rằng: “Đã có nhiều lời khẳng định từ những nguồn không rõ ràng rằng tên lửa này hiện ở mức 600km, nếu đó là thật thì những thay đổi nên tập trung vào nâng cấp tính ổn định và chính xác chứ không cần thiết phải nâng cấp về tầm bắn”.
Năm 1998, Ấn Độ nhận được sự chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa hành trình BrahMos phạm vi dưới 300km vì Ấn Độ lúc đó vẫn chưa gia nhập Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa.
“Quân đội Ấn Độ luôn chuộng tên lửa hành trình hơn tên lửa đạn đạo vì tên lửa hành trình có thể bay ở độ cao thấp hơn, tránh được radar và tấn công mục tiêu chính xác hơn”, một quan chức quân đội Ấn Độ xác nhận.