|
Tên lửa S-400 Nga khai hỏa trong mộc cuộc tập trận |
“Chúng tôi đã dư báo sự phát triển các phương tiến công đường không-vũ trụ trong 25 năm tới. Hệ thống của chúng tôi sẽ đối phó được với những mục tiêu mà hiện nay còn chưa tồn tại, nhưng có thể xuất hiện. Đó là việc đánh chặn trong các tầng khí quyển loãng, kể cả những tầng trên của khí quyền, cách mặt đất cả trăm ki-lô-mét”.
Hiện chưa rõ khi nào S-500 sẽ được đưa vào trang bị, nhưng giữa tháng 4/2017, Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga (VKS), Thượng tướng Viktor Bondarev đã cho biết, điều đó sẽ xảy ra trong thời gian tới. Theo nhiều chuyên gia, vũ khí mới sẽ cho phép kiểm soát các độ cao mà trước đó các phương tiện phòng không Nga không thể với tới.
Mối đe dọa đối với tên lửa và vệ tinh đối phương
Hiện nay, S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất của Nga. Tính năng của nó đủ để đối phó với mọi mục tiêu khí động hiện có như máy bay, trực thăng, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình ở cự ly đến 400 km và độ cao đến 30 km. Các tên lửa của S-500 thực tế sẽ có thể tiêu diệt mục tiêu ở không gian vũ trụ gần.
“Rõ ràng là S-500 được trù định như một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa vạn năng, có khả năng đối phó với tất cả các loại mục tiêu. Ở các độ cao mà Tướng Pavel Sozinov nói đến, các tên lửa của S-500 sẽ có thể tiêu diệt các đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) ở giai đoạn bay cuối. Như vậy, S-500 sẽ là phương tiện phòng thủ tên lửa chiến lược hữu hiệu”, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko đánh giá.
Một yếu tố khác xác nhận thiên hướng chủ yếu đánh chặn đầu đạn ICBM của S-500 là giai đoạn 2 thử nghiệm S-500 sẽ tiến hành ở Kazakhstan, tại trường thử nổi tiếng Sary-Sagan. Ở đây, từ những năm 1960, Liên Xô/Nga thử nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Hệ thống А-135 bảo vệ Moskva chống tên lửa tấn công đã được thử chính là tại trường thử này. Theo ông Sozinov, tại đây, các kíp trắc thủ S-500 sẽ thử nghiệm đánh chặn mục tiêu độ cao lớn trong điều kiện sát với thực chiến.
Ngoài đầu đạn ICBM, S-500 sẽ có thể tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu siêu vượt âm, các phương tiện trên quỹ đạo, UAV độ cao lớn. Ngoài ra, lĩnh vực ứng dụng của S-500 không chỉ hạn chế hoàn toàn ở chức năng phòng thủ tên lửa và phòng không. Ở vùng vũ trụ gần, chính là ở độ cao gần 100 km, là nơi đa số vệ tinh quân sự hoạt động. Các vệ tinh đó bảo đảm thông tin liên lạc, dẫn đường, chỉ thị mục tiêu cho quân đội. Nếu tiêu diệt được cụm vệ tinh đối phương, sẽ làm “mù”, làm “điếc” quân đội địch, tước bỏ các ưu thế của chúng. Để đạt được các mục tiêu đó, các chuyên gia vũ khí Nga đang phát triển không chỉ các tên lửa phòng không mới mà còn cả một họ các hệ thống tác chiến điện tử.
“Theo chỉ thị của lãnh đạo quốc gia, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu giải quyết nhiệm vụ đối phó các phương tiện triển khai trong vũ trụ, - ông Sozinov nhấn mạnh. - Điều đó liên quan đến khả năng chế áp điện tử đối với một số phương tiện trinh sát radar, trinh sát quang-điện tử và phương tiên liên lạc bố trí trong vũ trụ, cũng như trực tiếp tiêu diệt về vật chất những thành phần được triển khai trong vũ trụ”.
Tầm trung
Trong trường hợp xung đột quân sự toàn quy mô, các trận địa tên lửa phòng không tầm xa của Nga sẽ trở thành một trong những mục tiêu chính cho vũ khí chính xác cao của đối phương. Để bảo vệ các trận địa này, cần có các hệ thống tên lửa phòng không tầm nhỏ hơn, có khả năng tiêu diệt hiệu quả mục tiêu nhỏ. Theo ông Sozinov, vũ khí này đã được chế tạo và đang được cung cấp hàng loạt cho quân đội Nga.
“Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 đã được đưa vào sản xuất loạt. Nó cho phép đánh chặn gần như tất cả các loại tên lửa hành trình, mục tiêu khí động. Hệ thống thuộc vào hàng tốt nhất thế giới. Đây là hệ thống tiên tiến sẽ vẫn khẳng định được hiệu quả của mình trong ít nhất 20 năm nữa”, ông Sozinov nói.
Buk-M3 là biến thể của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk có từ thời Liên Xô. Nhưng thực tế, nó là vũ khí hoàn toàn mới, có tính năng vượt xa các biến thể trước đó. Buk-M3 có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình ở độ cao 10 m ở cự ly 40 km, cũng như bất kỳ máy bay hay UAV nào ở cự ly 2,5-70 km và độ cao từ 15-30.000 m. Các hệ thống này đã bắt đầu được trang bị cho quân đội Nga vào năm 2016 và trong tương lai sẽ thay thế các hệ thống Buk-М1 và Buk-М2 đã lạc hậu.
Vấn đề xuất khẩu
Khi nói về triển vọng của các hệ thống tên lửa phòng không trước đó một chút, ông Pavael Sozinov đã nói kỹ hơn về các biến thể S-300 đã được thời gian kiểm nghiệm. Ông cho rằng, S-300 vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường thế giới và nhắc đến việc Tổng thống Serbia Alexander Vucic vào giữa tháng 4/2017 đã nói với các phóng viên rằng, Belgrade cần có 2 tiểu đoàn S-300 và 1 sở chỉ huy trung đoàn. Thương vụ này đang được thảo luận với Nga. Ông Vucic cũng nói rằng, hiện chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào với Nga.
Ông Sozinov cho rằng, nếu như năm 1999, Belgrade có các hệ thống S-300, NATO đã không dám ném bom Nam Tư bởi vì không quân NATO sẽ gánh chịu những tổn thất không thể chấp nhận được. Mối quan tâm hiện nay của Serbia đến việc mua sắm các phương tiện phòng không hiện đại của Nga cũng dễ hiểu - các hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất của họ là những hệ thống đã quá lạc hậu S-125М1 và Kub-М. Cả hai hệ thống đều là tầm ngắn và không có khả năng bảo đảm an ninh không phận quốc gia. Tuy vậy, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, thương vụ Serbia mua S-300 của Nga sẽ không xảy ra vì lý do chính trị.
“Một mặt, việc bán S-300 cho Serbia có thể có lợi cho Nga. Nhất là nếu Serbia thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng mặt khác, sẽ không ai cho phép họ làm việc đó. Serbia hiện chịu áp lực rất mạnh của Brussels. Ban lãnh đạo hiện nay của nước này công khai tuyên truyền cho đường lối hội nhập vào các thể chế châu Âu-Đại Tây Dương. Nên bằng những câu chuyện về vũ khí Nga, họ chắc chắn muốn đạt được những nhượng bộ nào đó đối với mình. Có lẽ họ tìm cách có được sự trợ giá mua các hệ thống tên lửa phòng không phương Tây”, chuyên gia quân sự Mikhail Khodaryonok nói.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, cũng tuyên bố ý định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Như ông Ibrahim Kalyn, thư ký báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chi tiết thương vụ này sẽ được tổng thống hai nước thảo luận trong hội đàm ngày 3/5/2017 tại Sochi, Nga.
Theo VND