Tên lửa mới cho Molniya Việt Nam: BrahMos hay Yakhont, Club?

Theo thông tin mới nhất của truyền thông Nga, các tàu tên lửa lớp Molniya của hải quân Việt Nam có thể sẽ được trang bị 1 trong 3 loại tên lửa chống hạm hàng đầu thế giới là BrahMos, Yakhont hoặc Club.
Tàu cao tốc tên lửa lớp Molniya của hải quân Việt Nam

Bài viết trên trang web của Sputniknews ngày 16-6 cho biết, các tàu tên lửa lớp Molniya của Việt Nam có khả năng sẽ được trang bị một trong những loại tên lửa hành trình mới hàng đầu thế giới, mạnh hơn so với loại tên lửa hành trình chống hạm cận âm Kh-35E.

Nga có khả năng sẽ trang bị các tên lửa hành trình chống hạm mới cho tàu tên lửa thuộc dự án 12418 (lớp "Molniya") dành cho Hải quân Việt Nam - Tổng giám đốc Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Almaz, ông Alexander Shlyakhtenko cho biết.

Phát biểu tại diễn đàn Quân đội-2015 (Army-2015), tổ chức ở ngoại thủ đô Moscow của Nga ngày 16 tháng 6, ông Shlyakhtenko nói: "Việt Nam đang thực hiện đóng tàu lớp Molniya theo giấy phép và yêu cầu nâng cấp các tàu tên lửa dự án 1241.8”.

Ông Shlyakhtenko tiết lộ là Việt Nam đề nghị trang bị vũ khí mới trên các tàu thuộc lớp này, phần nhiều có thể là một trong 2 loại tên lửa chống hạm lừng danh là BrahMos hoặc Yakhont. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng đó là tên lửa Club, phiên bản xuất khẩu của tên lửa Calibr.

Vị Tổng giám đốc Almaz cho biết, việc điểu chỉnh thiết kế của các tàu lớp Molniya không thành vấn đề bởi các kỹ sư thiết kế của Nga có đầy đủ khả năng và thừa kinh nghiệm nhanh chóng thay đổi dự án, mà không làm gián đoạn qui trình sản xuất.

Trong giai đoạn 1996-1999, Việt Nam đã mua 4 tàu tên lửa loại Tarantul thuộc dự án 1241.RE của Nga. Tiếp đó vào năm 2003, Việt Nam tiếp tục ký thỏa thuận mua sắm tàu tên lửa lớp Molniya. Theo điều khoản hợp đồng, hai tàu do phía Nga đóng đã được bàn giao cho hải quân Việt Nam vào năm 2007 và 2008.

Trong giai đoạn 2, việc đóng 6 tàu Molniya được cấp phép và triển khai tại Việt Nam. Việc đóng mới chiếc tàu tên lửa Project 1241.8 đầu tiên theo giấy phép tại Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2010 và có hiệu lực đến hết năm 2016, hiện đã có bốn chiếc được hoàn thành.

Đầu tháng 6 vừa qua, hải quân Việt Nam đã tiếp nhận cặp tàu Molniya thứ 2; cặp tàu thứ 3 (M5, M6) đã hoàn tất đấu ráp tổng thành cuối tháng 12-2014 và dự tính đến nửa đầu năm 2016, Nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ tiếp tục bàn giao cặp tàu này cho Quân chủng Hải quân.

Tên lửa “xịn” để nâng cấp Tarantul, trang bị trên tàu mới?

Một vấn đề rất đáng quan tâm là trong tuyên bố của mình, ông Shlyakhtenko không nói rõ là các loại tên lửa mới kể trên có thể được trang bị cho các tàu dự án 1241.8 đóng trong giai đoạn nào.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy là chắc chắn nó không nằm trong số 2 tàu do Nga chế tạo và 6 tàu Việt Nam mới đóng, bởi những tàu này vừa “ra lò” xong lại sửa đổi thiết kế ngay là quá lãng phí và bất cập, trong khi Việt Nam vẫn còn những tàu cũ cần nâng cấp và tàu mới sắp sửa khởi đóng.

Theo hợp đồng đóng tàu được ký vào năm 2006, Việt Nam được cấp bản quyền để tự đóng 10 tàu loại này. Trong đó, 6 chiếc đầu tiên sẽ được đóng một loạt tại Nhà máy đóng tàu Ba Son. Sau đó, tùy theo tình hình, phía Việt Nam sẽ lựa chọn đóng thêm 4 chiếc nữa.

Mô hình nâng cấp Tarantul 1241.RE với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos của Hải quân Ấn Độ

Trong một tuyên bố được đưa ra hồi giữa tháng 3 vừa qua, ông Oleg Belkov - Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Vympel của Nga nói rằng, hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa Project 1241.8 lớp Molniya nâng cấp sẽ có thể được Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2015.

Phát biểu với hãng tin Interfax-AVN, bên lề triển lãm hải quân và hàng không quốc tế LIMA 2015 diễn ra trên đảo Langkawi, Malaysia ngày 17 tháng 3, ông Belkov cho biết, sau khi hoàn tất lựa chọn các trang, thiết bị cần thiết, bước sang năm 2016, các tàu này sẽ được khởi đóng.

Như vậy, có thể nhận định là loạt 4 tàu tiếp theo của Việt Nam sẽ được trang bị 1 trong 3 loại tên lửa chống hạm hàng đầu thế giới này. Với việc trang bị tên lửa chống hạm nặng hơn, kích thước lớn hơn Kh-35E, dự đoán là thiết kế của loạt tàu này sẽ có những nét mới và mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét nâng cấp 4 tàu tên lửa lớp Tarantul thuộc dự án 1241.RE mua trong thập niên của thế kỷ trước. Các tàu này chỉ được trang bị tên lửa chống hạm cận âm, có tầm bắn vẻn vẹn 80km là P-15 Termit (SS-N-2 Styx).

Nếu hoàn tất việc nâng cấp 4 tàu tên lửa lớp Tarantul cũ và đóng thêm các tàu mới, Việt Nam sẽ sở hữu tới 16 tàu tên lửa cao tốc được trang bị những tên lửa chống hạm hàng đầu thế giới do Nga sản xuất, nâng cao sức mạnh phòng thủ tuyến bờ biển rất dài và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của nước ta.

Theo: An ninh Thủ đô