Tên lửa ATACMS mạnh cỡ nào? Có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thực hiện một bước ngoặt quan trọng khi cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Hình ảnh hệ thống tên lửa ATACMS do Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cung cấp (Ảnh: NYTimes)

Lần đầu tiên Mỹ đã chính thức cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo do họ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Theo các quan chức Mỹ, quyết định này đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Loại tên lửa này được gọi là Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS). Các quan chức Mỹ cho biết, ATACMS có khả năng sẽ được triển khai để tấn công lực lượng Nga và Triều Tiên để hỗ trợ quân đội Ukraine tại khu vực Kursk, miền tây nước Nga.

Ukraine đã nỗ lực vận động trong nhiều năm qua và cuối cùng đã nhận được sự chấp thuận vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine một cách nhanh chóng.

ATACMS có thể làm được gì?

ATACMS, được sản xuất bởi Lockheed Martin, là tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 190 dặm (khoảng 300 km) tùy theo từng phiên bản, với đầu đạn chứa khoảng 170 kg thuốc nổ. Điểm đặc biệt của chúng nằm ở tầm bay, với khả năng bay cao hơn cả đạn pháo phản lực, rồi lao xuống mục tiêu với tốc độ siêu nhanh nhờ vào trọng lực.

Loại tên lửa này có thể được phóng từ các bệ phóng di động HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hoặc từ các bệ phóng M270 cũ hơn do Anh và Đức chuyển giao.

Mặc dù được gọi là "tên lửa tầm xa", song tầm bắn của ATACMS vẫn thua các tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa, và chỉ vượt trội so với các tên lửa hiện có của Ukraine.

Ra đời vào thập niên 1980, ATACMS được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao của Liên Xô nằm sâu trong lòng địch. Đây là một trong những vũ khí dẫn đường hiếm hoi trong thời kỳ mà Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào các loại bom không có khả năng dẫn đường.

Hiện tại, Lầu Năm Góc sở hữu hai phiên bản ATACMS: loại mang đạn chùm và loại mang đầu đạn nổ đơn lẻ.

Tại sao Mỹ do dự cung cấp ATACMS?

Việc cung cấp ATACMS cho Ukraine luôn là một chủ đề nhạy cảm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Từ giai đoạn đầu của xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ viện trợ các vũ khí có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Mặc dù Mỹ đã chuyển giao ATACMS từ năm ngoái, Nhà Trắng trước đó vẫn cấm Ukraine sử dụng loại tên lửa này để tấn công qua biên giới Nga.

Chính quyền Biden lo ngại rằng, việc Ukraine dùng ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin phản ứng mạnh mẽ, làm leo thang xung đột.

“Chúng tôi đang cố gắng tránh Thế chiến III”, ông Biden từng khẳng định.

Bên cạnh đó, một số quan chức Lầu Năm Góc cũng phản đối cung cấp thêm ATACMS cho Ukraine do kho dự trữ loại tên lửa này có hạn. Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh rằng ATACMS là vũ khí thiết yếu để hỗ trợ chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine. Ông cũng khẳng định sẽ không sử dụng tên lửa này để tấn công các thành phố hoặc dân thường Nga.

Trong bài phát biểu tối Chủ nhật, ông Zelensky ám chỉ rằng Mỹ đã dỡ bỏ hạn chế, nhưng không xác nhận cụ thể. Ông tuyên bố: “Những điều này không cần công bố. Chính tên lửa sẽ lên tiếng”.

Ukraine sẽ sử dụng ATACMS như thế nào?

Nga được cho là đang chuẩn bị một cuộc phản công quy mô lớn với khoảng 50.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng Triều Tiên, nhằm tấn công các vị trí cố thủ của Ukraine tại Kursk. Mục tiêu của chiến dịch này là tái chiếm toàn bộ các khu vực do Ukraine kiểm soát từ tháng 8.

Ukraine có thể sử dụng ATACMS để tấn công các mục tiêu chiến lược như lực lượng tập trung của Nga-Triều Tiên, kho đạn, tuyến hậu cần và các thiết bị quân sự quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Những đòn tấn công này sẽ giúp Ukraine làm suy yếu hiệu quả chiến dịch phản công của Moscow và Bình Nhưỡng.

Năm ngoái, ông Biden đã đồng ý cung cấp hàng trăm tên lửa ATACMS để Ukraine sử dụng tại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, bao gồm cả bán đảo Crimea. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Ukraine còn bao nhiêu tên lửa để triển khai trong các chiến dịch sắp tới.

ATACMS từng được Mỹ sử dụng trong chiến đấu?

Trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Mỹ đã phóng khoảng 30 tên lửa ATACMS để tấn công các bệ phóng tên lửa đạn đạo và hệ thống phòng không của Iraq.

Phiên bản đầu tiên của ATACMS có tầm bắn khoảng 160 km. Khi đến gần mục tiêu, tên lửa sẽ giải phóng 950 bom nhỏ.

Trong chiến dịch, quân đội Mỹ cũng đã phóng hơn 400 quả tên lửa mang bom bi, chủ yếu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến Iraq vào năm 2003. Tuy nhiên, do bom bi thường không nổ và ở lại trên chiến trường, gây nguy hiểm cho binh lính và dân thường sau khi chiến sự kết thúc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định hạn chế sử dụng loại vũ khí này. Quân đội Mỹ đã cải tiến tên lửa ATACMS và thay thế bom bi bằng đầu đạn nổ đơn.