|
Cụm tấn công tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu) |
Theo các nguồn tin từ Mỹ, Hải quân Mỹ tuyên bố, ngày 18 tháng 2, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson bắt đầu tiến hành tuần tra thường lệ ở Biển Đông. Đây là một vùng biển tồn tại nhiều tranh chấp, chủ yếu do Trung Quốc áp đặt yêu sách “đường chín đoạn” vô lý và phi pháp.
Thành phần cụm tấn công này bao gồm tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, liên đội máy bay số 2, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer DDG-108. Ngoài ra, một chiếc tàu khu trục khác là USS Michael Murphy DDG-112 có thể phối hợp hành động.
Ngày 18 tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết lần này cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson tiến vào Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ đã định của Hải quân Mỹ, không liên quan đến tuyên bố triển khai hành động tự do đi lại ở vùng biển đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (phi pháp) ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trước đó, tờ Thời báo Hải quân Mỹ cho biết Hải quân Mỹ đang chuẩn bị tiến hành các “thách thức mới” đối với yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ có kế hoạch điều cụm tấn công tàu sân bay tiến hành tuần tra vùng biển lân cận đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Thậm chí có quan chức Quân đội Mỹ cho biết hạm đội Mỹ rất có khả năng sẽ hoạt động ở vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa hoặc quần đảo Hoàng Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Đây là lần đầu tiên sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông; là hành động thực tế thể hiện các tuyên bố tự do đi lại trước đó của Quân đội Mỹ.
Cụm tấn công tàu sân bay này rời cảng chính San Diego vào ngày 5 tháng 1, đến căn cứ hải quân Guam ngày 10 tháng 2, rồi đến Biển Đông vào ngày 18 tháng 2.
Trước khi tiến hành vào Biển Đông, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện, diễn tập ở vùng biển Hawaii và Guam để duy trì trình độ sẵn sàng chiến đấu tương đối cao. Sau khi nghỉ ngơi ở Guam, cụm tấn công tàu sân bay này đã lên đường đến vùng biển Philippines, sau đó đi vào tuần tra Biển Đông.
Chỉ huy biên đội, Chuẩn Đô đốc James Kilby cho biết: Các hoạt động huấn luyện vài tuần trước làm cho toàn biên đội trở thành một thể thống nhất, sẽ thể hiện được đầy đủ khả năng trong các hành động độc lập cũng như trong các hoạt động tập trận chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Trên tàu sân bay USS Carl Vinson có khoảng 75 máy bay cánh cố định và trực thăng các loại, chủ yếu bao gồm: phi đội máy bay trực thăng HSC4, phi đội máy bay trực thăng HSM78, 4 phi đội máy bay chiến đấu tấn công như VFA-2, 24, 137 và 192, phi đội tác chiến điện tử VAQ-136, phi đội máy bay cảnh báo sớm VAW-113, phân đội nhỏ của phi đội máy bay vận tải VRC-30.
Lần triển khai trước ở châu Á - Thái Bình Dương của tàu sân bay USS Carl Vinson là vào năm 2015, đồng thời đã từng tổ chức diễn tập với Hải quân Malaysia ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết trong 35 năm qua, đây đã là lần thứ 16 cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson có mặt và tiến hành tuần tra ở khu vực Biển Đông.
Trong thời gian triển khai, mặc dù hoạt động ở khu vực phụ trách của Hạm đội 7 châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson vẫn chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Hạm đội 3 Đông Thái Bình Dương. Phương thức này được Quân đội Mỹ áp dụng trong thời gian gần đây, nâng cao tính linh hoạt trong chỉ huy các lực lượng hải quân trên toàn cầu.
Trước đó, trong hoạt động diễn tập ở biển Philippines, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đã nhận được sự hộ tống và hợp luyện của máy bay ném bom chiến lược B-1B triển khai tại căn cứ không quân Anderson, Guam.
Căn cứ vào thông lệ trước đây, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ tổ chức nhiều hoạt động huấn luyện và diễn tập ở Biển Đông.
Chẳng hạn, trong thời gian Tòa trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines năm 2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis đã tuần tra 7 tháng ở châu Á - Thái Bình Dương, tuần tra 60 ngày ở Biển Đông, hành trình 66.000 hải lý, thực hiện 19.000 giờ bay, tổ chức cho 8.500 lượt cất hạ cánh máy bay cánh cố định. Sau đó cụm tấn công tàu sân bay này rút đi khi có tàu sân bay USS Ronald Reagan thay thế.
Đến tháng 3, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung thường niên có quy mô lớn nhất trong lịch sử bao gồm Key Resolve và Foal Eagle. Khi đó, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson dự tính sẽ tham gia.
Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson có thể sẽ tuần tra khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho đến tháng 6 năm nay. Khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan triển khai ở Nhật Bản hoàn thành nghỉ ngơi và huấn luyện, tiếp nhận thay thế, từ đó bảo đảm cho cụm tấn công tàu sân bay Mỹ hiện diện liên tục ở châu Á - Thái Bình Dương.