Tàu ngầm nguyên tử Mỹ đâm vào vật thể lạ dưới đáy Biển Đông, 11 thủy thủ bị thương

VietTimes – Đài CNN ngày 7/10 đưa tin, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Seawolf của Mỹ đã đâm va với một vật thể không xác định ở Biển Đông vào ngày 2/10 khiến 11 thủy thủ bị thương.
Chiếc USS Connecticut (SSN-22) phải nổi lên di chuyển về Guam sau khi bị đâm va (Ảnh: Guancha).

Bản tin cho biết, chiếc tàu ngầm liên quan đến sự cố là USS Connecticut. Theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương, tình trạng thương tích của những người bị thương trên chiếc tàu ngầm không nguy hiểm đến tính mạng, và lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm không bị ảnh hưởng, nó vẫn hoạt động bình thường. Hiện chưa rõ tàu ngầm USS Connecticut đã đâm phải vật thể gì.

Thông báo cũng cho biết, vụ việc sẽ được điều tra để đánh giá mức độ thiệt hại. Bản tin đề cập rằng, tuyên bố của Mỹ không nêu cụ thể vụ việc xảy ra ở Biển Đông mà chỉ nêu rằng vụ việc xảy ra trên vùng biển quốc tế thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân vốn được quân đội Mỹ giữ bí mật triệt để. Vì vậy đây được cho là để lộ một vụ tai nạn va chạm ​​dưới nước hy hữu.

Truyền thông Mỹ đưa tin về vụ tai nạn của USS Connecticut

Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết vụ việc xảy ra ở Biển Đông, có ít hơn 15 người bị thương trong vụ việc và thương tích của 2 người được xếp vào loại "trung bình".

USS Connecticut là một tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Seawolf, được hạ thủy vào năm 1997 và đi vào hoạt động năm 1998.

Thông báo chính thức của Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ phát đi ngày 5/10 cũng xác nhận rằng tàu sân bay USS Carl Vinson đã đi vào Biển Đông và các máy bay chở trên tàu đã thực hiện các hoạt động huấn luyện cất hạ cánh trên tàu ở Biển Đông trong hai ngày liên tiếp 5 và 6/10.

Trang tin Guancha của Trung Quốc đưa rõ thêm, theo tin trên trang web của Hiệp hội Hải quân Hoa Kỳ (USNI News) ngày 7/10, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cùng ngày đã xác nhận: vào ngày 2/10, theo giờ địa phương, tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf của Hải quân Hoa Kỳ USS Connecticut (SSN-22) khi đang di chuyển dưới đáy Biển Đông đã va đập vào một vật thể không xác định khiến hơn chục thủy thủ trên tàu bị thương. Con tàu hiện đang quay trở lại đảo Guam.

Thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) về sự cố của tàu USS Connecticut

Thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ nêu rõ: "Vào thời điểm va chạm, tàu ngầm đang lặn trong vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Những người bị thương không nguy hiểm đến tính mạng và tàu ngầm vẫn ở trạng thái an toàn và ổn định". Lò phản ứng hạt nhân và không gian trong tàu không bị ảnh hưởng, vẫn đang hoạt động đầy đủ. Mức độ thiệt hại của các phần còn lại của tàu ngầm đang được đánh giá. Hải quân Mỹ chưa yêu cầu hỗ trợ".

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với USNI News, Reuters và các hãng truyền thông khác rằng chiếc tàu ngầm này đang ở Biển Đông vào thời điểm gặp nạn. Tổng cộng 11 thủy thủ bị thương trong vụ tai nạn, với các mức độ thương tích từ trung bình đến nhẹ. Quan chức này nói rằng tàu ngầm hạt nhân tấn công này đã di chuyển trên mặt nước từ sau khi xảy ra vụ tai nạn vào ngày 2/10, hướng về phía Guam, và dự kiến ​​sẽ cập cảng vào ngày mai (9/10).

Theo hãng tin AP, một quan chức Mỹ cho biết hiện chưa rõ chiếc tàu ngầm đâm va phải vật thể gì, nhưng đó không phải là một tàu ngầm khác. Một quan chức khác cho rằng đó có thể là một con tàu đắm, một container bị chìm hoặc những vật thể khác không được đánh dấu trên hải đồ.

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut thuộc Căn cứ Hải quân Kisap-Bremerton ở Washington, Mỹ. Hải quân Mỹ trước đó thông báo rằng tàu ngầm này sẽ được triển khai ở khu vực Thái Bình Dương vào ngày 27/5, sau đó đã công bố các bức ảnh về chiếc tàu ngầm khi nó cập cảng Nhật Bản vào cuối tháng 7 và tháng 8. Chỉ huy Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, Đô đốc Karl Thomas đã lên thị sát tàu ngầm này vào tháng 8 năm nay.

Tàu ngầm USS Connecticut là một trong ba chiếc tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Ngoài chiếc USS Connecticut (SSN-22), hai chiếc còn lại là USS Sea Wolf (SSN-21) và USS Jimmy Carter (SSN-23). Lớp Seawolf là loại tàu ngầm hạt nhân do Hải quân Mỹ chế tạo vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có tính năng âm học mạnh. Do giá thành quá cao, Hải quân Mỹ cuối cùng chỉ chế tạo ba con tàu lớp Seawolf, và sau đó chuyển sang chế tạo các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia có cùng ưu điểm vượt trội về âm thanh nhưng giá thành rẻ hơn.

Phần mũi chiếc USS San Francisco bị hư hại nghiêm trọng sau khi đâm vào núi ngầm dưới đáy biển (Ảnh: Guancha).

Lần cuối cùng tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ bị đâm va dưới nước là vào năm 2005, một thủy thủ đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Theo tình huống do Hải quân Mỹ tiết lộ sau đó, chiếc USS San Francisco (SSN -711) đang đi theo tuyến đường đã định thì đâm vào một dãy núi dưới đáy biển chưa được cập nhật trên hải đồ. Vụ tai nạn khiến phần mũi chiếc tàu ngầm hạt nhân bị hư hại nghiêm trọng, hơn 60 thành viên thủy thủ đoàn bị thương với các mức độ khác nhau, 1 thợ máy bị thương nặng rồi qua đời. Sau đó, Hải quân Hoa Kỳ đã phải cắt phần mũi chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Honolulu sắp loại biên để sử dụng cho việc sửa chữa chiếc USS San Francisco.

Chiếc USS San Francisco cuối cùng đã được cho ngừng hoạt động và loại biên vào năm 2017 và được chuyển đổi thành tàu ngầm hạt nhân neo đậu tại chỗ để dùng cho công tác huấn luyện.