Theo Hãng tin Nhật Kyodo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào ngày 4/7 cho biết, từ 7 giờ sáng cùng ngày Hải quân Trung Quốc và Hải quân Nga mỗi bên đã cho một tàu hộ vệ tiến vào khu vực biển tiếp giáp ở phía ngoài lãnh hải của Nhật Bản phụ cận quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư).
Ông Kihara Seiji, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ ứng phó một cách kiên quyết và bình tĩnh”. Ông Kenyu Funakoshi, Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật đã gọi điện cho các quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để phản đối, yêu cầu ngăn chặn những tình huống tương tự tái diễn. Hiện chưa phát hiện hành vi xâm nhập lãnh hải Nhật Bản của các tàu chiến Trung Quốc và Nga. Theo phân tích, lần cuối cùng các tàu chiến của Trung Quốc và Nga cùng một lúc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật là vào tháng 6/2016.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật, chiếc tàu hộ vệ lớp Giang Vệ II số hiệu 566 mang tên Hoài Hoa của hải quân Trung Quốc đã đi vào khu vực tiếp giáp lãnh hải Nhật lúc 7h44 và rời ra ngoài 6 phút sau đó. Đây là lần thứ 4 tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp vùng biển Quần đảo Senkaku kể từ khi Nhật bắt đầu theo dõi ghi chép. Chiếc hộ vệ hạm Abukuma của Lực lượng Phòng vệ Biển (Hải quân) Nhật đã thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư , nơi Nhật tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát nhưng Trung Quốc đang có yêu sách (Ảnh: Ifeng). |
Chiếc tàu chiến Nga đi vào bên trong vùng biển tiếp giáp là một trong ba tàu hộ vệ đã đi về phía bắc xuyên qua vùng biển ngoài khơi đảo Yonaguni và đảo Iriomote vào ngày 2/7. Chiếc tàu này đi vào trong vùng tiếp giáp từ 7h05 đến 8h16. Hai chiếc tàu Nga còn lại đã không đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật.
Theo Kyodo, chiếc tàu chiến Nga đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản trước, sau đó tàu chiến Trung Quốc mới đi vào. Bộ Quốc phòng cho rằng chiếc tàu chiến Trung Quốc có thể đang thực hiện một số biện pháp giám sát tàu chiến Nga.
Ông Kihara Seiji nhấn mạnh: “Quần đảo Senkaku là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản dù về mặt lịch sử hay luật pháp quốc tế.” Ông nói: “Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình đến cùng”. Ông cho biết đã phản đối phía Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao, yêu cầu không để những vụ việc tương tự xảy ra nữa.
Về phản ứng của Trung Quốc đối với sự phản kháng của Nhật, ông Kihara Seiji chỉ nói "xin không bình luận." Theo Bộ Ngoại giao Nhật, phía Trung Quốc đã đưa ra quan điểm của riêng mình.
Các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên dồn dập hơn và chính phủ Nhật Bản đang tích cực phân tích. Vào đầu tháng 6, một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc đã tiếp cận cách quần đảo Senkaku khoảng 30 hải lý (55 km) về phía tây và Nhật Bản đã bày tỏ "quan ngại" với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Nhật nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2016, tàu chiến của Trung Quốc và Nga cùng nhau xuất hiện ở vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư của Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng tuyên bố tuy việc tàu chiến vào vùng tiếp giáp không vi phạm luật pháp quốc tế, Lực lượng Phòng vệ trên biển của Bộ Quốc phòng đã cử tàu thu thập thông tin tình báo và tiến hành giám sát, sau đó sẽ tiếp tục phân tích mục đích của các tàu chiến nói trên.
Theo trang mạng Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 4/7, phản ứng trước sự quan ngại nghiêm trọng của phía Nhật Bản về việc tàu Hải quân Trung Quốc áp sát Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chiều cùng ngày 4/7, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo thường kỳ đã tuyên bố “quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, tàu thuyền Trung Quốc hoạt động tại vùng biển phụ cận là chính đáng và hợp pháp, phía Nhật không có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm”.