Tàu chiến Mỹ tiến gần nơi Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa

Tàu chiến USS Fort Worth tới vịnh Subic, Philippines sau khi tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế, trong đó có tác vụ tiếp cận các bãi đá ở Trường Sa với khoảng cách 12 hải lý.
Tàu USS Fort Worth hôm 11/5 tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yancheng (FFG 546) đi gần phía sau. Ảnh: US Pacific Fleet

Thông cáo của Hải quân Mỹ hôm qua cho biết tàu Fort Worth đã tới vịnh Subic, Philippines để tiếp dầu, sau một tuần tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.  

Theo thông cáo, Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa. 

"Là một phần trong việc tái cân bằng chiến lược của chúng tôi, nhằm đem những cỗ máy mới nhất với năng lực tốt nhất của hải quân tới Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, LCS đang hiện diện thường xuyên ở Đông Nam Á", Fred Kacher, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7, nói trong thông cáo đăng trên trang navy.mil.

Ông Kacher cho biết các hoạt động thường kỳ như tàu Fort Worth vừa hoàn thành ở Biển Đông sẽ là một thông lệ mới, khi 4 LCS sẽ đến khu vực trong những năm tới. "Việc triển khai nhiều LCS đến Đông Nam Á thể hiện tầm quan trọng của 'khu vực đang trỗi dậy' và giá trị mà sự hiện diện lâu dài đem lại", ông Kacher nói. 

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết quân đội nước này đang cân nhắc đề xuất điều máy bay và tàu hải quân đến trong phạm vi khoảng 22 km (12 hải lý) quanh những bãi đá Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Theo Wall Street Journal, máy bay quân sự Mỹ liên tục tiếp cận khu vực 22 km Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quanh những bãi đá đang được xây dựng. Nhưng để tránh leo thang, các máy bay chưa vào khu vực này. Một quan chức quân sự Mỹ nói các máy bay "giữ khoảng cách với các đảo và duy trì vị trí gần điểm 12 dặm".

Tàu Fort Worth gần đây cũng ở vùng biển gần Trường Sa. "Chúng tôi chưa đi vào phạm vi 12 hải lý", một quan chức Mỹ cấp cao nói.

Các đề xuất quân sự chưa được chính thức trình lên Nhà Trắng, cơ quan chịu trách nhiệm thông qua bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin mới này. 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Bắc Kinh đang tăng tốc cải tạo đất ở 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa và dường như đang xây đường băng tại một trong các đảo nhân tạo.

Mỹ sẽ cứng rắn với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc "không còn hoài nghi" về cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông khi ông tới thăm Bắc Kinh trong tuần này.

Ông Kerry dự kiến sẽ cảnh báo với Trung Quốc rằng quá trình cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo trái phép của nước này tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực đối với sự ổn định khu vực cũng như ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ Mỹ - Trung, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tranh luận gay gắt giữa ngoại trưởng Mỹ và các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề nghị điều phi cơ và tàu quân sự của Washington tới khu vực trong phạm vi ngoài 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.

Trước đề xuất này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua cho biết "đặc biệt lo ngại" về bình luận của ông Carter và yêu cầu Mỹ làm rõ vấn đề.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh "Trung Quốc có thể tự do đặt câu hỏi với ông Kerry về những gì hải quân Mỹ làm hoặc không làm" ở Biển Đông đồng thời khẳng định việc cải tạo trên các đá không đem lại cho Trung Quốc bất kỳ chủ quyền lãnh thổ nào.

Ông Kerry sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc "không còn hoài nghi" về cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới thăm Bắc Kinh trong hai ngày 16 và 17/5. Mục đích của chuyến công du lần này nhằm chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Chiến lược Kinh tế Mỹ - Trung dự kiến diễn ra vào tháng tới và chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới Washington vào tháng 9.

Theo: VnExpress