|
Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới mà nhiều người gọi là thần kỳ trong ba mươi năm qua, Trung Quốc đã phải trả một cái giá rất đắt.
Đó là một nền kinh tế có quy mô khổng lồ nhưng thiếu đồng bộ một cách khủng khiếp. Hệ quả là hàng loạt vấn đề kinh tế rắc rối ở tầm vĩ mô đang làm tình làm tội các nhà lãnh đạo của nước này. Hậu quả mới nhất, là khủng hoảng bắt đầu len vào hệ thống cốt lõi nhất của nền kinh tế Trung Quốc: các tập đoàn quốc doanh. Không gì là không thể sụp đổ ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, kể cả các tập đoàn nhà nước.
Nếu như cách đây hơn 30 năm, khi thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình quyết định mở cửa nền kinh tế đất nước, mô hình phát triển kinh tế được chọn lựa là mô hình của Singapore, trong đó dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, nộp thuế cho chính phủ và đưa vào các dây chuyền công nghệ hiện đại mà người Trung Quốc có thể tiếp quản. Nhưng Trung Quốc đã không sao chép hoàn toàn mô hình kinh tế của Singapore.
Quá khứ với nền kinh tế bao cấp tập trung với những doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ không cho phép Trung Quốc tư nhân hóa phần lớn như Singapore đã làm. Thay vào đó, người Trung Quốc đã sao chép cách làm của người Hàn Quốc, đó là đầu tư mạnh cho các doanh nghiệp quốc doanh này, biến chúng thành các cỗ máy kinh tế khổng lồ. Đó là cách Hàn Quốc đã tạo nên các Chaebol khổng lồ nổi tiếng của mình như Daewoo hay Hyundai.
Chỉ có điều, nếu như các Chaebol của người Hàn Quốc vẫn là các tập đoàn tư nhân chịu ảnh hưởng của chính phủ Hàn Quốc, thì các tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc lại hoàn toàn là của chính phủ Trung Quốc. Nhược điểm của các doanh nghiệp quốc doanh được chính phủ đỡ đầu vẫn là vấn đề của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của các tập đoàn này.
Và thực tế là, không có mấy tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc thành công ở nước ngoài, đa phần là hoạt động trong nước, nơi quyền lực của chính phủ sẽ cho phép nó tiếp cận các nguồn vốn và thị trường quốc nội khổng lồ của Trung Quốc. Điều này trái ngược với các Chebol của Hàn Quốc hay các tập đoàn lớn của Nhật như Sony hay Toyota vốn đặt mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài.
Điều này dẫn đến việc, rất nhiều tập đoàn Trung Quốc đang chiếm những vị trí dẫn đầu về quy mô doanh nghiệp trên toàn cầu, nhưng năng lực cạnh tranh thì không cao lắm. Ví dụ như ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc đang được xem là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới về quy mô và nguồn vốn, thậm chí còn cao hơn những ông lớn như HSBC. Nhưng về khả năng vươn ra toàn cầu thì ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc còn lâu mới sánh kịp HSBC.
Sự cưng chiều này của chính phủ Trung Quốc đã biến các tập đoàn này trở thành những em chã trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng lại được ca ngợi là các trụ cột của nền kinh tế nước này. Năng lực cạnh tranh kém, quy mô cồng kềnh và thiếu hiệu quả, từ lâu đã được các nhà kinh tế Trung Quốc coi là điểm yếu chết người của các tập đoàn này. Khi mọi chuyện vẫn ổn, thì không sao, nhưng khi có vấn đề thì các tập đoàn này không khác gì những con khủng long khổng lồ nhưng chậm chạp, là đối tượng dễ bị tiêu diệt đầu tiên.
Và thực tế là cảnh báo này đã đúng. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ đầu năm 2015, hàng loạt tập đoàn Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ khổng lồ. Kinh tế tăng trưởng chậm, tổng cầu đã đạt đến giới hạn đang buộc các tập đoàn Trung Quốc phải tiết giảm quy mô, và thậm chí phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ do các khoản nợ tới hạn khổng lồ.
Hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên cách đây vài tháng, với việc hàng loạt các tập đoàn sản xuất thép của Trung Quốc phải tìm cách chuyển bớt hệ thống sản xuất ra nước ngoài. Kinh tế tăng trưởng chậm lại đang khiến nhu cầu xây dựng giảm đi đáng kể, và các tập đoàn thép là đối tượng bị ăn đòn đầu tiên. Mặc dù vậy, nhu cầu xây dựng vẫn còn khá lớn của nền kinh tế Trung Quốc vẫn giúp cho các tập đoàn thép và xi măng tồn tại, dù phải tiết giảm quy mô đi đáng kể. Những kẻ đầu tiên phải chết, là các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, tập đoàn nhà nước đầu tiên chính thức bị khai tử là Baoding Tianwei – một tập đoàn sản xuất điện hàng đầu của Trung Quốc.
Sự dư thừa công suất và các khoản nợ tới hạn khổng lồ đã khiến tập đoàn này không thể cầm cự lâu hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tập đoàn này đã lỗ tới 10,14 tỷ Nhân dân tệ và khoản vay quá hạn lên tới 1,86 tỷ Nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc, được xem là sẽ bỏ tiền ra giải cứu cho đứa con cưng của mình, đã từ chối làm điều đó. Bắc Kinh tuyên bố sẽ cổ phần hóa tập đoàn này, và sẵn sàng biến nó trở thành một tập đoàn tư nhân.
Đây được xem là dấu hiệu của một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một tập đoàn quốc doanh bị đe dọa phá sản bởi nợ nần, và chứng tỏ rằng nguy cơ này đang xảy ra với hàng loạt các tập đoàn quốc doanh khác – vốn được xem là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. Và điều đáng nói hơn là thái độ của Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận sự sụp đổ đó.
Nhưng có vẻ như thái độ sẵn sàng chấp nhận đó của Bắc Kinh cũng sẽ giới hạn tương đối. Baoding Tianwei là một tập đoàn không quá quan trọng với thị trường năng lượng của Trung Quốc vốn đang dư thừa. Bắc Kinh không cần thiết phải giải cứu một kẻ đã trở nên không cần thiết. Vì thế sự chấp nhận này chưa chắc đã lặp lại với các tập đoàn quốc doanh quan trọng hơn, những tập đoàn mà sự sụp đổ có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc.
Và có lẽ đã đến lúc, Bắc Kinh cần chấm dứt chính sách nâng niu và chiều chuộng với các tập đoàn quốc doanh theo kiểu công tử bột của mình, nếu như không muốn gặp thêm những rắc rối mới. Nhất là khi tổng nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã đạt mức 14,2 ngàn tỷ USD, mức cao nhất trên thế giới.
Theo Một Thế giới/ Bloomberg