|
Ông Tập Cận Bình và quân đội Trung Quốc. |
Tờ Đại kỷ nguyên tiếng Trung tại Mỹ ngày 30/8 cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động đã khiến cho trên 100 quan chức cấp cao từ cấp Phó chủ tịch tỉnh và Thứ trưởng trở lên bị sa lưới, trong đó phần lớn là các thành viên có liên quan đến ông Giang Trạch Dân.
Hiện nay, báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết một số phần tử tham nhũng còn chưa bị trừng phạt hoàn toàn không phải là được miễn, mà là muốn chờ thời cơ chín muồi, cuối cùng sẽ bị truy cứu.
“Đợi thời cơ chín muồi”
Tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 29/8 đăng bài viết của Tưởng Lai Dụng, Trưởng Ban nghiên cứu Liêm chính, Phòng Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng những năm gần đây nhà cầm quyền Trung Quốc đã tiến hành chống tham nhũng một cách mạnh mẽ.
Nhưng có lại có một quan điểm chủ trương miễn tội cho tham nhũng. Theo quan điểm này, số lượng tham nhũng rất lớn, không miễn tội thì không thể giải quyết. Phần tử tham nhũng là nhóm lợi ích đặc biệt, không đặc xá sẽ gây trở ngại cho cải cách. Rất nhiều tham nhũng không bị truy cứu thực ra đã là đặc xá...
Đối với vấn đề này, bài viết trên tờ Thanh niên Trung Quốc đã tiến hành phản bác. Bài viết đề cập đến một số phần tử tham nhũng còn chưa bị trừng phạt do các loại nguyên nhân khác nhau, đây hoàn toàn không phải là miễn tội cho họ, mà là một khi có điều kiện chín muồi, thì các phần tử tham nhũng cuối cùng sẽ bị truy cứu.
Hiện nay, mức độ xét xử tham nhũng còn có khoảng cách nhất định so với sự trông đợi của người dân. Điều này cho thấy tầm quan trọng và tính cần thiết của gia tăng mức độ trừng trị tham nhũng.
Bài viết cho rằng “đặc xá cho tham nhũng” không có tính khả thi. Khai ân cho những phần tử tham nhũng sẽ làm cho “giấc mơ dùng pháp luật trị quốc” bị biến chất. Đặc xá mặc dù có thể giải quyết số lượng tham nhũng mang tính tạm thời, nhưng lại làm cho các phần tử tham nhũng kiêu ngạo hơn, làm cho luật chống tham nhũng không thể thực hiện.
Tờ Thanh niên Trung Quốc cuối cùng cho rằng “chống tham nhũng ở nước này không có thời gian kết thúc, kiên trì quét sạch tham nhũng, tiến hành cả đả hổ và diệt ruồi, trừng trị tham nhũng một cách triệt để”.
Bình luận viên Thạch Cửu Thiên cho rằng phát biểu của chuyên gia Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của nhà cầm quyền sẽ tiếp tục và được đẩy nhanh, hoàn toàn sẽ không miễn cho bất cứ quan tham nào.
Bài viết cho rằng chờ thời cơ chín muồi để truy cứu một số quan tham đã ám chỉ rằng nhà cầm quyền sẽ còn bắt được “hổ lớn hơn”…
Tập Cận Bình phản đối đặc xá quan tham
Sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thông qua cuộc chiến chống tham nhũng đã diệt trừ Bạc Hi Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Tô Vinh, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng và hơn 100 quan chức cấp tỉnh trở lên, trong đó hầu hết thuộc phe nhóm liên quan đến một nhân vật mà ai cũng đã rõ.
Sau đó, có tờ báo nước ngoài cho hay ông Giang Trạch Dân - nguyên Chủ tịch Trung Quốc đã nói với ông Tập Cận Bình rằng các bước chống tham nhũng không thể quá nhanh. Có tin cho rằng ông Giang Trạch Dân đã gây sức ép với ông Tập Cận Bình, yêu cầu tiến hành chống tham nhũng chậm lại.
Nửa cuối năm 2013, nhiều tờ báo tiết lộ, có Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị kêu gọi miễn tội cho các quan chức trong lĩnh vực kinh tế, bạn đời và con cái họ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, trong Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị, Hội nghị Bộ Chính trị và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng được tổ chức từ ngày 27 – 30/5/2014, ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn đều đã phản đối đặc xá cho quan tham.
Tập Cận Bình nhấn mạnh, nếu tiến hành đặc xá cho quan tham sẽ có “rủi ro”. Khi đó tờ báo Trung Quốc cho rằng, ông Tập Cận Bình cầm quyền đã 3 năm, kiên trì sử dụng “bàn tay sắt” để “đả hổ, diệt ruồi”, tình hình của Trung Quốc rất phức tạp, nhạy cảm. 3 năm qua, ông Tập Cận Bình đã bất chấp rủi ro chính trị, quyết chiến với các loại nhóm lợi ích.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc từng viết bài cho biết chống tham nhũng càng đi vào chiều sâu, khó khăn sẽ càng lớn; quan tham không chỉ là vấn đề tham nhũng, một số còn liên quan đến vấn đề chính trị, dẫn tới tồn tại những người có “âm mưu chính trị”.
Tháng 2/2015, khi đề cập đến tình hình chống tham nhũng, ông Vương Kỳ Sơn – người được mệnh danh là "Bao Công Trung Quốc" thời nay tái khẳng định “lực lượng đôi bên đối chọi nhau, có trạng thái giằng co”, đồng thời cho biết “sức ép rất lớn”, “cần giảm số lượng, ngăn chặn lượng tăng lên”.
Tháng 1/2016, tại Hội nghị toàn thể của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, ông Tập Cận Bình cho biết sẽ không thay đổi quyết tâm chống tham nhũng; không thay đổi mục tiêu ngăn chặn xu thế lan tràn hiện tượng tham nhũng; có bao nhiêu sẽ xử lý bấy nhiêu.
Ông còn cho biết: “Trạng thái áp đảo của đấu tranh chống tham nhũng đang hình thành”, “lòng dân là chính trị lớn nhất, chính nghĩa là lực lượng mạnh nhất”.
Tháng 6/2016, ông Tập Cận Bình xem xét thông qua “Điều lệ giải trình trách nhiệm”. Điều lệ này đặc biệt nhắc đến 03 loại trường hợp phải nghiêm túc truy cứu trách nhiệm: không làm tròn chức trách gây hậu quả nghiêm trọng, quần chúng nhân dân phản ứng mạnh mẽ, gây thiệt hại cho nền tảng chính trị cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyên gia Lý Thiên Tiếu cho rằng việc công bố “Điều lệ giải trình trách nhiệm” là tấn công các thế lực thuộc phe nhóm cũ trong bối cảnh nâng cấp “đả hổ”, cũng là một bước đi quan trọng loại bỏ hoàn toàn thế lực còn lại của nhân vật còn ảnh hưởng.