Tào Linh - họa sĩ tuổi Canh Tý kể chuyện vẽ tranh chuột

VietTimes – Đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ Tào Linh, tài năng tuổi Canh Tý, phóng viên VietTimes may mắn được nghe ông kể chuyện vẽ tranh chuột vào đúng năm tuổi của mình.
Họa sĩ Tào Linh trao đổi với VietTimes về loạt tranh chuột đúng năm tuổi Canh Tý

Chưa vẽ xong đã bán hết

Năm nay, loạt tranh Tết vẽ chuột với hòa sắc ấm áp, nét vui nhộn, đầy không khí xuân của họa sĩ Tào Linh có tổng số khoảng 30 bức, đều đã “có chủ” từ trước khi họa sĩ dừng những nét cọ cuối cùng.

Họa sĩ cho biết năm nào ông cũng vẽ tranh con giống cho Tết. Nhiều người yêu thích tranh Tào Linh còn mong muốn được giữ đủ 12 con giống trong tranh của ông, nên đã đặt hàng từ trước Tết rất lâu.

“Vẽ chuột mà tả thực thì chắc là … ghê lắm. Tôi nghĩ có lẽ 80% mọi người sợ chuột, cho nên vẽ chuột để mọi người yêu thích không dễ. Vẽ chuột trang trí theo kiểu truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… hoặc kiểu vẽ cách điệu với người đầu chuột chẳng hạn đều không phải “tạng” của tôi. Tôi vẽ chuột theo kiểu của tôi, đường nét, bố cục, màu sắc của riêng tôi. Năm nào tôi cũng vẽ tranh Tết, tranh con giống nhưng năm nay khi cầm cọ vẽ con vật đúng tuổi Canh Tý của mình thì cảm giác rất là khó tả” – Họa sĩ Tào Linh cho biết.

Họa sĩ Tào Linh cho biết đam mê vẽ đã được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ

Họa sĩ Tào Linh vốn là kỹ sư, mấy chục năm đi công trình, ông kể: “Tôi vẫn vẽ liên tục, không bỏ được, suốt thời gian đi làm kỹ sư, đi công trường thì tôi vẫn vẽ. Nhưng chủ yếu là vẽ trên giấy (bột màu, màu nước, giấy dó, giấy báo…) Bởi vì sinh ra trong một gia đình mà bố tôi (ông Tào Thành) cũng vẽ, nên đam mê với cọ và màu đã được nuôi dưỡng từ thuở bé”.

Họa sĩ Tào Linh cho biết năm 1993 đã có một triển lãm riêng tại Tràng Tiền, nhưng sau đó thì cuộc sống cuốn đi, cho mãi tới năm 2014, ông mới quyết định nghỉ hẳn mọi việc để sống với giá vẽ và toan.

Triển lãm “Một bầy lặng im” tại Galery 39 Lý Quốc Sư là triển lãm chuyên nghiệp chính thức đầu tiên, được tổ chức vào năm họa sĩ Tào Linh 54 tuổi.


Họa sĩ chia sẻ: “Được sự đồng ý của Phan Huyền Thư, tôi mượn chữ “Một bầy lặng im” đặt tên cho triển lãm. Cái tên này rất hợp với loạt tranh vẽ dịp đó của tôi. Hồi đó tôi vẽ giấy dó là chính, đến khi bầy tranh thì mọi người rất ngạc nhiên vì chưa có ai vẽ giấy dó như thế. Đó là niềm vui lớn! Triển lãm thực sự là một bước ngoặt trong đời sống nghệ thuật đối với tôi”.

“Khi họa sĩ Lê Thiết Cương hỏi tôi muốn bầy tranh như một họa sĩ hay như một kỹ sư vẽ, thì tôi trả lời là tôi muốn bày tranh như một họa sĩ. Tôi coi đó như một tuyên ngôn với nghề, một thách thức để bản thân phải vượt lên, phải bước vào công việc vẽ một cách chuyên nghiệp chứ không chỉ là niềm đam mê như trước đó nữa” – Họa sĩ Tào Linh bày tỏ.

Họa sĩ Tào Linh bên bộ tranh chuột tại xưởng vẽ

Vẽ, công việc bình thường hay thực hành chánh niệm

“Nếu chỉ là một kỹ sư vẽ thì không phải sợ giới chuyên môn đánh giá. Nghề kỹ sư có logic và ảnh hưởng khá nhiều đến việc vẽ của tôi, tuy có thiệt thòi hơn các họa sĩ chính quy nhưng lại có may mắn là không giáo điều. Vì không học vẽ chính quy nên tôi phải học nhiều hơn, phải vẽ hàng ngày, tối thiểu 2 tiếng mỗi ngày, bất kể vẽ cái gì” – Họa sĩ Tào Linh xác quyết nói.

Tào Linh tham gia rất nhiều triển lãm tại Galery 39, năm nào cũng bày tranh Tết. Chỉ riêng năm 2019, ông tham gia 3 triển lãm với Galery 39 và 2 triển lãm nhóm với “Đa diện” (tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), triển lãm tháng 9/2019 ở Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, tháng 10/2019 triển lãm tại TP.HCM lần thứ 2.

“Sau giai đoạn khó khăn, sự phát triển đã cải thiện đời sống kinh tế của nhiều người, và đến lúc họ mong muốn cải thiện đời sống tinh thần của mình. Nhiều người trẻ, có thu nhập và văn hóa tốt, họ muốn trang trí, sở hữu những tác phẩm đương đại thay vì là tranh nhái, tranh chép. Tính đa dạng về văn hóa, đa dạng về thẩm mỹ của lớp tiêu dùng nghệ thuật mới này khiến cho thị trường nghệ thuật đa dạng hơn. Và đây là cơ hội cho nhiều họa sĩ với nhiều phong cách hội họa khác nhau. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, với nhu cầu trang trí nhà cửa thì ít có cơ hội cho những tranh trên 2000 USD, đó là phân khúc của nhóm những nhà sưu tập” – Họa sỹ tuổi Canh Tý nói.

“Cũng phải nhìn nhận thực tế là trong khi có nhiều người yêu thích tranh mình thì vẫn có những người không chịu được tranh của mình và đó là điều hoàn toàn bình thường” – Họa sĩ Tào Linh giản dị nói.


Tranh chuột Tết Canh Tý của họa sĩ Tào Linh




Trao đổi về việc vẽ như thực hành chánh niệm, họa sĩ Tào Linh bảo: “Bản thân công việc của họa sĩ là như vậy, khi sáng tác, đối diện với tấm toan thì quên hết mọi chuyện bên ngoài, quá khứ hay tương lai, chỉ còn khoảnh khắc đó. Đó chính là chánh niệm, đó là thiền định. Nhưng đó cũng chính là bản chất công việc hàng ngày của họa sĩ. Do vậy có thể nói tôi vẽ hàng ngày tức là hàng ngày tôi thực hành chánh niệm”.

“Tuổi Canh Tý có đặc điểm là người đứng chữ “Canh” khá cô độc. Mà dù sao thì bản chất của sáng tạo là cô độc rồi. Với tôi, vẽ là phải một mình. Nếu có người khác bên cạnh, dù chỉ loanh quanh, không làm gì thì mình cũng không vẽ được. Ngày xưa còn đi làm nên phải vẽ đêm, nhiều đêm buông bút rửa tay xong là đi làm nên rất khó giữ sức khỏe. Sau này không đi làm nữa thì vẽ ban ngày, đêm cố gắng ngủ đúng giờ, nhưng hễ vẽ thì vẫn phải một mình, không được có bất cứ ai bên cạnh” – Họa sĩ tuổi Canh Tý bày tỏ.

Tranh chuột của họa sĩ Tào Linh với màu sắc ấm áp