Với gần 40 tác phẩm mới được sáng tác trong năm 2019, "Chuyện phố" mong muốn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật thủ đô những câu chuyện mang sắc thái cá nhân xung quanh đời sống ở phố của mình.
Phàm đã là họa sĩ, lại sinh sống ở Hà Nội, không ít thì nhiều, ai cũng đã từng vẽ phố. Cũng đã không ít họa sĩ thành danh vì tranh phố. Do vậy, chọn chủ đề loanh quanh về phố cho một triển lãm nhóm là một thách thức với các tác giả này. Nhưng nhìn vào tên và quá trình sáng tác của các tác giả, chúng ta có thể thấy có một sự tự tin nhất định từ họ, không chỉ vì họ sinh ra và lớn lên ở phố, mà còn vì cá tính sáng tạo của họ đảm bảo mang đến cho người xem những góc nhìn khác, những câu chuyện khác xung quanh đời sống ở phố.
Là người phụ nữ duy nhất trong nhóm, Vũ Bích Thủy mang đến những trải nghiệm của mình qua những câu chuyện thường nhật, những góc nhìn hoàn toàn riêng tư của người đàn bà của gia đình với những góc phố nhỏ hay những chậu cây nơi thềm nhà hay bóng nắng chiều hắt đâu đó ở một góc sân bên nhà hàng xóm.
Sự tinh tế đầy nữ tính của Thủy thể hiện qua bảng màu nhẹ nhõm đến bâng khuâng. Nhưng với tinh thần cực đoan khi thể hiện các tác phẩm của mình dưới hình thức trừu tượng thuần túy, các tác phẩm của Thủy đã tác động mạnh mẽ lên cảm xúc của người xem.
"Phố vắng" của Vũ Bích Thủy
|
Cũng là với phong cách trừu tượng, nhưng trong tranh của Trần Lưu Mỹ vẫn phảng phất bóng nhà dáng cây với rất nhiều nắng, rất nhiều gió. Qua tranh của Mỹ, ta có thể hình dung một trung niên trầm lặng, thả bộ dọc con phố vắng mà lòng đầy gió vậy. Trong cái rối bời trên tranh của Trần Lưu Mỹ, ta thấy nhịp của màu, nhịp của nét và nhịp của cuộc sống của một người cả đời ở phố, vừa chật chội vừa phóng khoáng, vừa trầm mặc vừa tươi vui.
"Phố" của Trần Lưu Mỹ
|
Nguyễn Minh là tác giả trẻ nhất trong nhóm năm họa sĩ trưng bày tại "Chuyện phố". Phố của Minh là phố đâu đó của ven đô, của dùng dằng làng – phố. Phố - cây của Minh là dư âm của làng trong ký ức tuổi thơ của tác giả.
Sự tương phản giữa sự cứng cáp, mạch lạc của các đường kỷ hà của tường, của mái với bảng mầu mềm mại và “chơi chất”của nhiều màu bổ túc khiến cho những bức tranh mang sác thái biểu hiện của Minh mang tính cá nhân rõ ràng.
Minh quan tâm đến những sự đối lập và đan xen lẫn nhau trong cuộc sống như " văn hóa hiện đại - văn hóa truyền thống, cái cũ - cái mới, cái thực - cái ảo, tính thời gian như quá khứ - hiện tại, trước - sau... Một Phố - Làng có đan xen mới - cũ, truyền thống - hiện đại, trữ tình và lãng mạn.
Nguyễn Minh - "Chuyện phố"
|
Câu chuyện phố của Doãn Hoàng Lâm lại có vẻ đầy trăn trở, cồn cào. Lâm cho ta nghe tiếng gào của con mèo động dục trên mái phố đêm gió bấc. Lâm cho ta thấy nỗi bồn chồn của anh em nhà hàng xóm chờ mẹ lúc chiều tối. Lâm kể chuyện góc nhà, Lâm kể chuyện trên trời, những chuyện ta vẫn nghe hàng ngày, ở phố. Hình của Lâm là thế, màu của Lâm là thế, đầy tính biểu hiện với những suy tư về con người, những người ở phố.
"Chuyện trên trời" - Doãn Hoàng Lâm
|
Tào Linh lại có vẻ như muốn kể một câu chuyện khác về phố. Từ những thú chơi thuần túy thị dân như một bể cá vàng, Tào Linh như dẫn dắt người xem vào một một không gian sống khác ở phố, không gian đó mang một chiều kích khác với đời sống thường nhật; chiều kích của không gian tâm lý. Với lối vẽ kiệm hình, kiệm màu, tất cả tám bức tranh của Tào Linh như một lời thủ thỉ, một ẩn dụ về phố, một câu chuyện về góc tối riêng tư của mình.
"Chuyện phố" - Tào Linh
|
Năm câu chuyện khác nhau về phố được thể hiện qua năm giọng kể khác nhau, qua gần 40 bức tranh, năm họa sĩ đã giới thiệu với công chúng thủ đô một bản ballad bằng tranh với đầy đủ sắc thái về phố Hà Nội.