Không giãi bày, tâm sự, Tân Nhàn khiến khán giả hết rưng rưng lại vỗ tay không ngừng khi hát trong live show “Trở về” (tối 16/3). Ca sỹ đã không ngừng “biến hóa” kỳ diệu từ âm nhạc hiện đại đến truyền thống khiến công chúng ngỡ ngàng. Tân Nhàn và ekip đã phải chi tới gần 5 tỷ đồng cho liveshow đầu tiên của ca sĩ gốc Hà Nam.
“Trở về” với tiếng gọi của trái tim, của một tình yêu da diết với quê hương, theo Tân Nhàn, chính là trở về tuổi thơ, nơi ký ức sống một mẹ một con với những ngày đằng đẵng mẹ đi làm ca về muộn, trời mưa sấm chớp, có cô bé ngồi co ro nơi góc giường sợ hãi. Rồi vùng dậy mặc tấm áo mưa chạy như bay tới nơi mẹ làm việc và lại ngồi chờ đợi nơi đầu lán gạch mẹ làm cho tới hơn 11h đêm - hai mẹ con cùng chông chênh rảo bước về nhà.
Trở về với tuổi thơ của cô bé Tân Nhàn thấm những làn điệu dân ca phát ra từ chiếc đài phát thanh của hàng xóm. Và những làn điệu ấy đã đươc cô bé ngân nga như một sự bấu víu, như nâng bước chân trên con đường xa xít mà cô bé hằng ngày vẫn phải đi trên hành trình tới lớp. Chính từ những điều ấy, mới có một Tân Nhàn như ngày hôm nay.
Và “Trở về” còn là sự trở về với những giá trị âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt, để khám phá, để tìm hiểu, để học hỏi, để thể hiện với mong muốn nỗ lực góp sức mình lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt đến đông đảo công chúng, điều mà cô ấp ủ trong sự nghiệp của mình, trong giấc mơ của mình.
Ở chủ đề Quê mẹ, Tân Nhàn gửi tới khán giả những ca khúc Trở về, Tình đất, Quê mẹ, Hai quê, Gặp nhau giữa rừng mơ…, là những ca khúc đã gắn với tên tuổi Tân Nhàn mà khán giả yêu mến đã quá quen thuộc.
Phần 2 liveshow chủ đề “Trăng khuyết” là những bài hát đã gắn bó với tên tuổi của Tân Nhàn kể từ Sao Mai 2005 – cuộc thi mà cô đã đăng quang giải Nhất dòng nhạc dân gian. Ở đó, Tân Nhàn gửi tặng khán giả những ca khúc được nhiều người yêu mến như: Xa khơi, Người con gái sông La, Trăng khuyết, Đào…
Phần mà Tân Nhàn dồn rất nhiều tâm sức, sự nỗ lực và trăn trở chính là phần 3 “Trở về” với mảng âm nhạc truyền thống. Những bài ca cổ của âm nhạc truyền thống Việt Nam qua giọng hát Tân Nhàn cùng dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử và dân tộc đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú. Ở phần này, Tân Nhàn đã không ngừng “biến hóa” kỳ diệu, khi thì cô hát làn điệu chèo cổ “Duyên phận phải chiều” hay “Đào liễu”, khi lại thể hiện ngọt ngào, xốn xang bài dân ca quan họ “Tương phùng tương ngộ”.
Ca sỹ gốc Hà Nam cũng gây ấn tượng mạnh khi cùng NSƯT Đình Cương thể hiện bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”. Sau đó, Tân Nhàn lại gây bất ngờ khi hát xẩm cùng NSƯT Văn Ty bài “Mục hạ vô nhân”. Đây là bài xẩm mà NSƯT Văn Ty là người đầu tiên thể hiện và được đánh giá là chuẩn mực trong lối hát xẩm.
Với “Mục hạ vô nhân”, Tân Nhàn không chỉ cực kỳ ăn ý với NSƯT Văn Ty ở cách hát, giọng hát, mà còn gây thích thú khi diễn tả cảnh cô vợ hờn dỗi, nũng nịu khi chồng cứ đánh mắt đò đưa ra bên ngoài.
Tân Nhàn cũng làm khán phòng bùng nổ cùng âm nhạc và những tinh hoa truyền thống khi cô hát “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Phần âm nhạc được cho là “kỳ lạ” của màn trình diễn này kết hợp cùng cách dàn dựng lộng lẫy như tái hiện hình ảnh Cô Đôi trong huyền thoại đạo Mẫu của người Việt trên sân khấu đã làm khán giả vô cùng phấn khích, hò reo.