- Bộ trưởng thấy những thuận lợi và thách thức gì đang đợi mình phía trước?
- Về thuận lợi, tôi được kế thừa thành tựu của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Những năm qua, ngành giao thông được quan tâm đầu tư, đã có bước phát triển vượt bậc. Bộ mặt giao thông đã thay đổi đáng kể, nhiều công trình lớn hoàn thành, kinh nghiệm thi công các công trình lớn, hiện đại đã được nâng lên.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức như: hạ tầng giao thông nhiều nơi yếu kém, chưa đồng bộ, quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải tuy đã nâng cao nhưng vẫn cần cải thiện nhiều, trong khi ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao. Chế tài xử phạt chưa được thực hiện nghiêm, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển. Sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực giao thông vận tải ngày càng gay gắt, nhu cầu của người dân và đất nước trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng bức thiết...
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Đ.Loan |
- Những thành quả nổi bật của người tiền nhiệm ảnh hưởng đến ông thế nào?
- Sức ép lớn nhất với tôi là làm thế nào để cùng với tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn đang gia tăng, công việc rất nhiều và nặng nề. Nợ công đã chạm trần, các nguồn lực đầu tư cho giao thông ngày càng hạn chế, trong khi người dân, đất nước đòi hỏi phải tiếp tục hiện đại hoá hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải, nhằm đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Chắc chắn mỗi ngày chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để người dân đi lại an toàn, thuận tiện. Giao thương thuận lợi hơn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, để làm tốt việc này, ngành giao thông cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân.
- Công việc nào sẽ được ông ưu tiên trên cương vị mới?
- Có một số vấn đề khiến dư luận bức xúc, cử tri cả nước quan tâm gần đây như các dự án BOT; tai nạn giao thông vẫn cao, hạ tầng một số nơi yếu kém; công tác đầu tư, giải ngân tại các dự án cần được công khai, minh bạch hơn; có sự chồng chéo trong quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực...
Tôi sẽ rà soát từng việc cụ thể, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng và sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí để người dân biết, giám sát. Trong công tác đầu tư, chúng tôi giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải phải cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội, bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý; tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Với ông, điều gì là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của mình?
- Công việc còn rất nhiều và ngổn ngang, tôi e rằng 5 năm nhiệm kỳ khó có thể làm hết những gì mong muốn. Tuy nhiên, có một điều phải làm bằng được, đó là tiếp tục đổi mới. Chỉ có đổi mới, ngành mới có thể phát triển. Cụ thể, cần đổi mới phong cách quản lý, lãnh đạo; đổi mới tư duy, phương pháp làm việc. Cần tiếp tục cải cách hành chính, gắn trách nhiệm cá nhân vào các quyết định cụ thể, vào từng công việc, bám sát cơ sở và thực tiễn cuộc sống.
Thời gian vừa qua, nhất là trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khâu cải cách hành chính của Bộ được tiến hành rất tốt, rất thành công và tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp đó.
- Kinh tế Việt Nam khó khăn, nợ công Chính phủ đã chạm trần, Bộ trưởng sẽ huy động nguồn vốn thế nào để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao?
- Nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển hiện nay chủ yếu là đi vay cho nên trông chờ vào ngân sách là cực kỳ gian nan. Chúng ta đã hội nhập với khu vực và thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký năm ngoái, các Hiệp định FTA khác đã ký và dần có hiệu lực, điều đó đặt ngành giao thông đứng trước cơ hội và thách thức. Chúng tôi sẽ tranh thủ nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội để phát triển hạ tầng, phát triển và phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, tạo cơ sở vững chắc cho các ngành kinh tế khác, các địa phương phát triển. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, dự án nào sẽ tiếp tục triển khai, dự án nào phải điều chỉnh và dự án nào phải dừng. Tất cả quá trình này sẽ được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch để mọi người cùng biết và đồng thuận.
Chúng tôi sẽ sớm tổ chức cuộc gặp với các nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, đề xuất và điều chỉnh phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và trân trọng các ý kiến đóng góp; trân trọng các nguồn vốn của các nhà đầu tư muốn hợp tác với chúng tôi. Tôi xin nhắc lại là chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, không đầu tư dàn trải, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá.
Theo VnE